A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp: Cách làm ở Tân Uyên

Liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (SPNN) là một cái “bắt tay” được lợi cho cả doanh nghiệp và người nông dân. Nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện hiệu quả việc này. Ở huyện Tân Uyên cũng vậy, việc liên kết đã đem lại thành công cho doanh nghiệp và niềm vui cho nhà nông.

Vậy là cây ớt đã bám xuống đồng ruộng Tân Uyên đến nay gần 6 tháng. Bà con các xã đang khấp khởi vui mừng khi được cầm trên tay hàng chục triệu đồng nhờ trồng ớt. Đây là số tiền so với trồng lúa thật không dễ gì có được chỉ trong một thời gian ngắn.

Anh Bùi Văn Trung - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Uyên cho biết: Nhờ tìm được nhiều cửa xuất ở trong và ngoài nước nên đơn vị liên kết bao tiêu sản phẩm tha thiết mở rộng diện tích trồng ớt trên địa bàn huyện Tân Uyên và cả huyện Than Uyên. Có gia đình chỉ trồng 3 sào ớt nhưng qua 2 đợt hái đã thu về 15 triệu đồng.

Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm thăm, động viên bà con thu hoạch ớt.

Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện và doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm thăm, động viên bà con thu hoạch ớt.

 

Đối với cây chanh leo, năm ngoái, nhiều gia đình ở xã Pắc Ta “thắng lớn” nhờ chanh leo được mùa lại được giá. Chanh leo thu hoạch đến đâu có đơn vị thu mua đến đó, dù cho vốn đầu tư ban đầu lớn thì tiền lãi mang về cũng gấp nhiều lần so với trồng cây lương thực. Chẳng hạn như gia đình anh Nguyễn Văn Cường (bản Tân Bắc), chỉ chưa đầy 1ha chanh leo, ngay ở năm đầu tiên anh đã thu lãi cả trăm triệu đồng. Chẳng thế, mới đầu cả xã chỉ có 5 hộ trồng, sau đó tăng lên đến hàng chục hộ. Ngoài liên kết trồng chanh leo, các doanh nghiệp còn triển khai trồng chuối, bí xanh…, đây là điều kiện để Pắc Ta nâng chỉ tiêu diện tích trồng cây ăn quả hàng năm.

Theo số liệu thống kê, tính đến nay, toàn huyện có 384ha được các đơn vị liên kết với người dân trồng bí xanh, ớt chỉ thiên, chỉ địa, chuối tiêu, chuối tây, chanh leo. Cụ thể như: Công ty Rau củ quả Ngọc Linh (tỉnh Sơn La), Hợp tác xã Vĩnh Cửu (tỉnh Bắc Ninh), Công ty TNHH Nafood (huyện Tam Đường), Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đại Việt (huyện Phong Thổ) hay HTX Việt Hoàng (xã Pắc Ta). Sự liên kết này tạo cơ hội cho người nông dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập trên 1 đơn vị diện tích và tìm kiếm hướng đi mới bền vững, ổn định.

Cách làm ở Tân Uyên

Bám sát nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ và HĐND huyện, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể hóa mục tiêu thành đề án, tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị; các xã, thị trấn triển khai thực hiện. Nhiều chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra như: Sản xuất lúa hàng hóa, trồng chè, mắc-ca, trồng rừng, chăn nuôi đại gia súc. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho Nhân dân ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.

Nói về hiệu quả của những “cái bắt tay hợp tác”, anh Bùi Văn Trung khẳng định: Việc liên kết tiêu thụ SPNN đã bài bản với những ràng buộc cụ thể với đơn vị bao tiêu. Nếu trước đây, bà con còn đắn đo về hiệu quả liên kết, thì nay bà con đã tin tưởng hơn nhiều. Trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân không có ý kiến thắc mắc về việc triển khai chủ trương này.

Nhìn vào thực tế hiện nay ở huyện Tân Uyên cho thấy, việc chuyển dịch thời vụ và cơ cấu giống cây trồng đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là sử dụng cơ cấu giống mới có chất lượng cao để gieo cấy và trình độ canh tác của người dân. Công tác điều tra phát hiện dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi đã được quan tâm; việc đầu tư thâm canh nâng cao sản lượng, chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa, SPNN từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm.

Trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hình thức trang trại, gia trại; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tổ chức sản xuất có sự gắn kết chặt chẽ từ phát triển vùng nguyên liệu tập trung đến chế biến. Cũng nhờ sự liên kết sản xuất nông nghiệp mà hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất như: giao thông, thủy lợi tiếp tục được đầu tư; đặc biệt là hệ thống đường sản xuất vùng lúa, chè, rừng góp phần thúc đẩy công tác mở rộng, đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Mặc dù trong việc liên kết, tiêu thụ SPNN vẫn còn không ít khó khăn do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, song đây là chủ trương đúng đắn và tất yếu trong quá trình phát triển. Do đó, xác định một số giải pháp như: tổ chức tuyên truyền sâu rộng về nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện. Khuyến khích chuyển đổi các diện tích đất hoang hóa, đất canh tác kém hiệu quả, đất ruộng 1 vụ sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hoặc chăn nuôi; chuyển nhượng, tích tụ ruộng đất gắn với thực hiện các dự án đầu tư. Cải tạo và nâng cao hệ số sử dụng đất, thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương.

Nhiều hộ nông ở xã Pắc Ta vừa có vụ chanh leo thắng lợi và sẽ tiếp tục mở rộng diện tích những năm tới.

Nhiều hộ nông ở xã Pắc Ta vừa có vụ chanh leo thắng lợi và sẽ tiếp tục mở rộng diện tích những năm tới.

 

Phát huy tích cực các nội dung tái cơ cấu và hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ về sản xuất, thâm canh các đối tượng cây trồng, vật nuôi theo định hướng phát triển của huyện. Hỗ trợ, đưa các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, phù hợp với nhu cầu của thị trường và từng vùng sinh thái.

Ứng dụng công nghệ trong sơ chế, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là cây dược liệu, cây ăn quả. Xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa, chỉ dẫn địa lý đối với những nông sản có thể mạnh của vùng. Đẩy mạnh các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng từ cung cấp đầu vào - tổ chức sản xuất - chế biến - tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân và tổ chức đại diện của nông dân. Khuyến khích hộ gia đình liên kết thành tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX đủ năng lực cạnh tranh, thích ứng với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong tình hình mới. Tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để thúc đẩy sản xuất, chế biển, tiêu thụ nông sản…

Giải pháp đã có, tiềm năng rộng mở, nhân lực dồi dào, mong rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp đầu tư “hợp duyên” với Tân Uyên để ngày càng có thêm những thửa đất “nở hoa”.

Thu Trang

 


Tác giả: Thu Trang
Nguồn:Báo Lai Châu Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan