A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai thác tiềm năng phát triển chăn nuôi

Từng là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao, tuy nhiên những năm gần đây nhờ khai thác tốt tiềm năng lợi thế trong phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi theo hướng hàng hóa, xã Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ) đã vươn mình phát triển mạnh mẽ. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân dần được cải thiện; diện mạo vùng biên ngày càng khởi sắc.

Từ thành phố Lai Châu vượt qua chặng đường hơn 100km dưới tiết trời nắng gắt, chúng tôi đã đến xã Sì Lở Lầu. Mùa này, những thửa ruộng bậc thang đang trong mùa nước đổ, nông dân khắp các bản nô nức ra đồng cấy lúa. Dọc theo trục đường chính của xã, các tuyến đường về bản, những mảnh đất nhỏ được người dân tận dụng trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc. Chốc chốc lại xuất hiện những hộ chăn nuôi có quy mô lớn, đầu tư cơ sở vật chất kiên cố… Tất cả góp phần tạo nên một diện mạo mới cho vùng biên.

Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với hộ gia đình anh Ly Seo Lù - người dân bản Tả Chải đã mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi vài con lợn thành vài chục con. Theo lời kể của anh, trước đây do không có vốn, không có kiến thức, kinh nghiệm, chăn nuôi vài con lợn mà vẫn bị dịch bệnh mất cả vốn lẫn lời. Quyết tâm tìm cách phát triển kinh tế, vợ chồng anh đã học hỏi thêm kinh nghiệm ở nhiều nơi, trên sách báo rồi áp dụng vào thực tế cho linh hoạt. Không phụ công người, vật nuôi dần phát triển tốt, mang lại nguồn thu khá cho gia đình.

Gia đình anh Ly Seo Lù (thứ 2 từ phải sang) ở bản Tả Chải (xã Sì Lở Lầu) đầu tư phát triển chăn nuôi lợn quy mô lớn.

Gia đình anh Ly Seo Lù (thứ 2 từ phải sang) ở bản Tả Chải (xã Sì Lở Lầu) đầu tư phát triển chăn nuôi lợn quy mô lớn.

Gần đây, qua nghiên cứu thị trường, thấy nhu cầu sử dụng thịt lợn tăng cao, trong khi nhà gần đường dễ quảng bá, xuất bán; nhà cũng gần suối chủ động nguồn nước tưới. Gia đình có thể tự chủ động 1 phần thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp do đó anh đã quyết định tăng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi. Mốc đánh dấu bước ngoặt của gia đình anh vào cuối năm 2021, anh đầu tư hơn 200 triệu đồng xây 12 gian nuôi lợn; kết hợp đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi.

“Mới đầu chúng tôi nuôi trên 30 con lợn. Để giảm chi phí đầu vào, chúng tôi nuôi thêm 6 con lợn nái sinh sản. Trong quá trình chăn nuôi, vợ chồng tôi chú trọng khâu chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh; cho lợn ăn đúng bữa từ bã sắn, bột ngô, rau. Sau hơn 1 năm chăn nuôi, gia đình tôi đã xuất ra thị trường gần 300 con lợn, với giá bán trung bình 55.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi 200 triệu đồng. Hiện nay, trong chuồng của gia đình tôi còn 70 con” - anh Lù chia sẻ.

Xã Sì Lở Lầu có 1.232 hộ, 6.166 nhân khẩu với 2 dân tộc chính là Dao (chiếm 67,93%) và Hà Nhì (chiếm 31,39%), còn lại là dân tộc khác. Trong những năm qua, cùng với trồng lúa, ngô, phát triển cây dược liệu, xã đã vận động Nhân dân khai thác tiềm năng lợi thế địa phương để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Khâu then chốt chính là chuyển đổi dần từ chăn nuôi thả rông, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang nuôi nhốt, số lượng lớn hơn cung cấp ra thị trường.

Người dân xã Sì Lở Lầu trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc.

Người dân xã Sì Lở Lầu trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc.

Hàng năm, xã tiếp nhận và triển khai đến các bản việc phun thuốc tiêu độc khử trùng Han-Iodine 10%; tiêm phòng vắcxin cho vật nuôi. Vận động Nhân dân chủ động làm chuồng trại, dự trữ nguồn thức ăn từ rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa; trồng cỏ voi ở những bãi đất trống gần nhà. Quây bạt xung quanh chuồng trong mùa đông giá rét, nhiệt độ giảm sâu. 

Với cách làm phù hợp, trên địa bàn xã không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tốc độ tăng trưởng và phát triển đàn gia súc, gia cầm khá ổn định. Hiện nay, toàn xã có 18.912 con gia súc, gia cầm. Trong đó, đàn trâu 1.168 con, đàn dê 313 con, đàn lợn 2.534 con, đàn gia cầm 14.897 con. Toàn xã có 13 hộ nuôi dê, 3 hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn. Nhiều hộ dân trở thành tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế từ chăn nuôi kết hợp kinh doanh, trồng trọt.

Đồng chí Tẩn Lao San - Phó Chủ tịch UBND xã Sì Lở Lầu khẳng định: “Chăn nuôi đang mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân trên địa bàn xã. Bà con có kinh phí để trang trải cuộc sống, mua sắm đồ dùng phục vụ nhu cầu hàng ngày, có vốn tái đầu tư phát triển sản xuất. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã trên 25 triệu đồng/năm. Cuộc sống vật chất, tinh thần ngày càng cải thiện. Nhân dân tích cực tham gia vào các cuộc vận động, phong trào tại địa phương, có thể kể đến phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa…”.

Chăn nuôi hiệu quả và đúng hướng, người dân xã Sì Lở Lầu đang đưa kinh tế hộ gia đình phát triển. Từ đó, chung sức làm thay đổi diện mạo vùng biên; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

 

Thanh Hoa (Báo Lai Châu, Thứ ba, 30/05/2023 - 08:02')


Tác giả: Thanh Hoa
Nguồn:Báo Lai Châu Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan