A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nuôi trâu thương phẩm - Hướng phát triển kinh tế bền vững

Nhằm giúp Nhân dân trên địa bàn vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xã Bản Hon (huyện Tam Đường) đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất; tích cực xây dựng các mô hình mới, cách làm hay. Một trong những mô hình thành công là nuôi trâu thương phẩm, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho nông dân nơi đây.

Những ngày trung tuần tháng 4, có dịp trở lại xã Bản Hon, dọc hai bên đường rất nhiều bà con đang thoăn thoắt cắt cỏ voi để làm thức ăn cho trâu. Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi trâu thương phẩm trên địa bàn xã, đồng chí Lò Văn Giọt - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Hon cho biết: “Với diện tích đất nông nghiệp rộng, Bản Hon có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc. Mô hình nuôi trâu thương phẩm được xã triển khai, thực hiện những năm gần đây mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Được sự quan tâm của Nhà nước, theo Quyết định 1719 ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, năm 2022 có 3 bản: Bản Thẳm, Bãi Trâu, Đông Pao 2 với 74 hộ trên địa bàn xã được hỗ trợ trâu (1 con/hộ), tạo điều kiện cho bà con vươn lên phát triển kinh tế.

Hiện nay, xã có 471 con trâu, tập trung ở các bản như: Bãi Trâu, Bản Thẳm, Đông Pao 2, Chăn Nuôi… Để trâu sinh trưởng, phát triển tốt, xã chỉ đạo cán bộ nông nghiệp xuống các bản hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, xây dựng chuồng kiên cố, chế độ dinh dưỡng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm đầy đủ các loại vắc-xin. Qua đó, đàn trâu của xã phát triển tốt, đem lại nguồn thu nhập cao cho bà con”.

Người dân bản Bãi Trâu chăm sóc

Người dân bản Bãi Trâu (xã Bản Hon) chăm sóc đàn trâu.

Trâu là loài động vật dễ nuôi, thích nghi tốt với điều kiện thời tiết của địa phương, thích hợp với chăn nuôi quy mô hộ gia đình, trang trại. Từ lâu, con trâu đã gắn bó với người nông dân, là “đầu cơ nghiệp” của nhà nông. Những năm trở lại đây, trâu không chỉ phục vụ cho việc cày, bừa đất đai canh tác mà từ khi nhu cầu tiêu thụ thịt trâu tăng lên, nhiều hộ dân trên địa bàn xã bắt đầu nhân rộng đàn trâu của gia đình để phát triển kinh tế.

Bãi Trâu là một trong những bản nuôi trâu với số lượng lớn trên địa bàn xã Bản Hon. Hiện tại bản có 43 con và 1,5ha đồng cỏ. Để chăn nuôi thành công, bản tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ voi, đồng thời sau khi thu hoạch lúa, bà con dự trữ rơm, rạ, nhằm cung cấp nguồn thức ăn tại chỗ cho trâu.

Với sự hỗ trợ của Nhà nước, năm 2022 gia đình chị Tao Thị Sọ ở bản Bãi Trâu được cấp 1 con trâu, chị thường xuyên học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi trâu thành công, trên báo, đài để áp dụng trong quá trình nuôi tại gia đình. Chị Sọ chia sẻ: “Gia đình tôi mua 1 con trâu và được Nhà nước cấp 1 con nữa để phát triển kinh tế. Để trâu lớn nhanh, mạnh khoẻ, gia đình tôi chú trọng chế độ dinh dưỡng, hàng ngày tôi đi cắt cỏ voi, đồng thời bổ sung thêm khoáng chất để tăng sức đề kháng cho trâu. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; thực hiện phòng, chống đói, rét và tích trữ thức ăn trong mùa đông, vào mùa hè thì giữ cho chuồng thoáng mát; tiêm phòng các loại vắc-xin đầy đủ để phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, đàn trâu của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt”.

Cán bộ xã thường xuyên kiểm tra

Cán bộ xã Bản Hon thường xuyên xuống bản kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của đàn trâu.

Năm 2021, anh Tao Văn Kẻo ở bản Bãi Trâu mua 2 con trâu để khởi nghiệp. Anh Kẻo vui mừng nói: “Nhiều năm trước, gia đình tôi chỉ nuôi trâu để lấy sức kéo. Được cấp uỷ, chính quyền xã tuyên truyền, vận động nuôi trâu thương phẩm, gia đình tôi tích cực trồng cỏ voi, tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho trâu. Nhờ được vỗ béo, cuối năm 2022 gia đình tôi bán 2 con trâu, thu được hơn 70 triệu đồng. Với số tiền đó, tôi tiếp tục mua 1 con nghé, ngoài ra, tôi cũng được Nhà nước hỗ trợ thêm 1 con. Hiện nay, đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn đem lại thu nhập cao cho gia đình”.

Với hiệu quả kinh tế cao từ mô hình nuôi trâu thương phẩm mang lại, thời gian tới xã Bản Hon tiếp tục nhân rộng mô hình, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, thúc đẩy kinh tế địa phương ngày một phát triển.

 

Phương Thanh (Báo Lai Châu; Thứ năm, 13/04/2023 - 22:22')


Nguồn:https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/nu%C3%B4i-tr%C3%A2u-th%C6%B0%C6%A1ng-ph%E1%BA%A9m-h%C6%B0%E1%BB%9Bng-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-kinh-t%E1%BA%BF-b%E1%BB%81n-v%E1%BB%AFng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan