A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các món ăn, đặc sản và mua về làm quà không thể bỏ qua khi đến Lai Châu

Lai Châu - mảnh đất ven trời Tây Bắc được thiên nhiên ưu ái, ban tặng vẻ đẹp hùng vĩ với đèo Hoàng Liên đứng đầu trong “Tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam; là nơi sở hữu 6/10 ngọn núi nằm trong top những ngọn núi hùng vĩ nhất cả nước; có các di tích lịch sử văn hóa và nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng. Đặc biệt, Lai Châu còn có 158 sản phẩm OCOP, nhiều đặc sản, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lai Châu giới thiệu một số món ăn, đặc sản không thể bỏ qua để các du khách tham khảo.

Đến Lai Châu, du khách sẽ được thưởng thức nhiều món ăn độc đáo, hấp dẫn. Thịt trâu gác bếp (thịt trâu sấy) là món ăn đặc sản vùng Tây Bắc nói chung và Lai Châu nói riêng. Ở Lai Châu có nhiều cơ sở sản xuất thịt trâu sấy gác bếp, trong đó, có sản phẩm Thịt trâu gác bếp Tây Bắc TV của Công ty cổ phần Truyền thông và Thương mại dịch vụ Tây Bắc TV, thịt trâu sấy của hộ kinh doanh Đèo Thị Sớp, thịt trâu gác bếp Thiết Hà, thịt trâu sấy Nhiễu Kiên, thịt trâu gác bếp Nhà Huyền...

Đến Lai Châu, du khách không thể bỏ qua món thắng cố ngựa. Nguyên liệu chính là thịt, nội tạng của ngựa và các loại gia vị chính như gừng, sả, mắc khén, hoa hồi, thảo quả... Đây là món ăn được các đấng mày râu khá ưa chuộng. Nếu bạn đến Lai Châu đừng quên đến chợ đêm San Thàng (thành phố Lai Châu) để cảm nhận độ ngon của món ăn này.

Với người dân vùng Tây Bắc, đặc biệt là đối với người Lai Châu đều biết đó là đặc sản thịt lợn cắp nách. Đây là món ăn có hương vị đặc trưng không thể quên với ai đã từng một lần được thưởng thức. (Ảnh: Kim Anh)

Cũng là món cá nướng, nhưng món cá nướng của người Thái Lai Châu hấp dẫn bởi cách tẩm ướp cầu kỳ với các loại gia vị đặc trưng. Ngoài những gia vị không thể thiếu trong quá trình tẩm ướp như muối, mì chính, bột canh thì món ăn này sử dụng các loại rau gia vị như hành củ, hành lá, rau húng, sả, ớt... và đặc biệt là phải có hạt mắc khén.

Món xôi tím được làm từ gạo nếp nương thơm dẻo của Lai Châu. (Ảnh: Thu Hoài)

Lai Châu có 158 sản phẩm OCOP, nhiều đặc sản, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. (Ảnh: Kim Anh)

Với các loại rượu được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có rượu Hơ Mông nếp men lá của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Hạnh, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu được đóng thành nậm nhỏ có dung tích 500ml đang được người tiêu dùng ưa chuộng bởi nồng độ rượu chỉ 29,5% và có mùi thơm đặc trưng của nếp men lá.  

Chẩm chéo là gia vị không thể thiếu trong các món ăn của người vùng cao, trong đó có chẩm chéo Tây Bắc TV được tạo nên từ sự hòa quyện của nhiều gia vị đặc trưng của Tây Bắc như hạt dổi, mắc khén... kết hợp với bí quyết riêng đã tạo nên một chẩm chéo mang hương vị đặc biệt. Chẩm chéo này, ngoài chấm thịt sấy, còn có thể chấm các loại thịt luộc, thịt hấp, cá hấp, cá nướng và chấm một số món ăn khác tạo nên hương vị thơm ngon, khó quên.

Là tỉnh miền núi, có nhiều đặc sản từ rừng, đặc biệt là mật ong. Trong đó, mật ong Thanh Xuân của Hợp tác xã Mường Mít, huyện Than Uyên được đóng hộp với bao bì rất đẹp mắt, mật ong sánh và vàng óng.

Nói đến đặc sản của người dân Lai Châu thì không thể bỏ qua đặc sản gạo. Bởi gạo Lai Châu nổi tiếng dẻo, thơm, đậm đà và giàu dinh dưỡng. Trong đó, gạo Séng Cù của Hợp tác xã Thanh Xuân là sản phẩm nổi tiếng, được trồng trên cánh đồng Mường Than tại các xã Mường Than, Hua Nà, Mường Cang và thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên ở độ cao trên 600m so với mặt nước biển. Hạt gạo Séng Cù có đặc điểm là hạt dài, to, màu trắng ngà, hạt gạo mẩy đều cho chất cơm thơm, ngọt đậm đà, vị bùi và hàm lượng dinh dưỡng cao. 

Miến dong Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu dẻo ngon nên đã được người tiêu dùng của các tỉnh, thành trong nước ưa chuộng. (Ảnh: Kim Anh)

Lai Châu có nhiều sản phẩm Đông trùng hạ thảo đạt sản phẩm OCOP. Trong đó, Đông trùng hạ thảo của hộ kinh doanh Đào Huy Cương, địa chỉ tổ 6, phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu với nhiều công dụng tuyệt vời như: Hỗ trợ điều trị ung thư; hỗ trợ chữa các bệnh liên quan đến thận; tác động đến hệ miễn dịch; tác dụng trong việc điều tiết đường huyết, kiểm soát bệnh tiểu đường; hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến phổi… 

Lai Châu được người tiêu dùng biết đến là tỉnh có nhiều dược liệu quý, hiếm được chế biến thành các sản phẩm bồi bổ cho sức khỏe.

Sâm Lai Châu - đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và Thế giới. Hàm lượng Saponin trong các mẫu Sâm Lai Châu tăng dần theo số năm tuổi, trung bình đạt khoảng 23-27%, hàm lượng chất chống ung thư chiếm khoảng 6%. (Ảnh: Kim Anh)

Trong các sản phẩm dược liệu quý của huyện Sìn Hồ, có Cao Sâm quy Sìn Hồ và Cao lá Atiso Sìn Hồ là 2 sản phẩm được công nhận 3 sao của Hợp tác xã Nông sản dược liệu cao nguyên Sìn Hồ. Đây là sản phẩm chăm sóc sức khỏe được triết suất từ cây Đương quy, lá Atiso được trồng ở huyện Sìn Hồ - một huyện vùng cao có thổ nhưỡng, khí hậu rất phù hợp để phát triển các cây dược liệu quý.

Chè Giảo cổ lam cao nguyên Sìn Hồ của Công ty TNHH Sơn Hà Dược liệu cao nguyên Sìn Hồ, địa chỉ tại Khu 5, thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ là thức uống tốt cho sức khỏe.

Lai Châu là tỉnh có 8.000 ha chè. Chè búp tươi được chế biến thành các sản phẩm như: Trà sữa Ô long Hồng Trà, Trà sữa Macha, Trà sữa Ô long xanh, Trà Hồng trà Sin Suối Hồ... 

Kim Anh (Cổng TTĐT tỉnh Lai Châu. Thứ 4, 22/03/2023 | 17:43)   


Tác giả: Kim Anh
Nguồn:Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lai Châu Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan