A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỹ thuật nuôi lưu cá qua Đông và phòng chống rét cho cá

 

 

 

1. Điều kiện ao nuôi: Đối với ao nuôi để phòng chống rét cho cá cần lựa chọn ao có diện tích vừa phải thường là từ 500 - 1000m2, chiều dài của ao tránh hướng Đông Bắc, có nguồn nước sạch để cấp cho ao nuôi, có hệ thống bờ vững chắc và có thể duy trì độ sâu mực nước từ 1.5 - 2m, có hệ thống cấp thoát nước đầy đủ, có đăng chắn, ao dễ gây màu nước có độ dầy bùn đáy từ 15 - 20 cm. Các yếu tố thủy lý, thủy hóa phù hợp pH>7 hàm lượng ô xy hòa tan >5mg  Oxy/lit.

2. Chuẩn bị ao nuôi:

- Tháo cạn ao tu sửa bờ ao để chống rò rỉ nước, phát dọn sạch bờ.

- Sau khi đã tháo cạn nước ao cần vét bớt lượng bùn đáy trong ao chỉ để lớp bùn từ 15 - 20 cm.

- Phơi đáy ao: Tùy vào thời tiết mà thời gian phơi đáy ao có thể dài hay ngắn nhưng nên phơi cho đáy ao có bùn nứt chân chim là được. Phơi đáy ao có tác dụng làm cho các khí độc trong bùn ao là H2S, NH3, N02 thoát ra tránh ảnh hưởng đến cá nuôi sau này.

- Khử trùng đáy ao: Sau khi đã phơi đáy ao tiến hành khử trùng cho đáy ao bằng vôi bột với liều lượng từ 7 - 10kg vôi/100m2 ao. Nếu đáy ao bị chua có thể bón với liều lượng từ 12 - 15kg vôi/100m2  ao. Sau khi khử trùng tiến hành bón phân gây màu nước với liều lượng: Phân chuồng từ 20 - 30kg/100m2 (gồm phân lợn, phân trâu đã được ủ kỹ với vôi bột); phân xanh từ 20 – 30kg/100m2 (gồm thân cân hoa dâu, cây dầm,..). Sau khi bón phân hữu cơ tiến hành cấp nước cho ao nuôi với độ sâu từ 40 - 50cm. Sau khi cấp nước cho ao  tiếp tục bón cho ao nuôi 100g phân lân và 200g phân đạm/100m2. Sau 3 - 5 ngày thì cấp đủ nước cho ao với mực nước từ 1,5 - 2m.

3. Thả cá giống: Nên chọn những ngày có thời tiết nắng ấm để thả cá giống. Trước khi thả cá giống cần tắm cho cá bằng nước muối 2 - 3%  (2 - 3gam muối/ lít nước) thời gian tắm là từ 10 đến 15 phút.

4. Chăm sóc và quản lý ao nuôi:

* Cho cá ăn:

Sử dụng các loại thứ ăn công nghiệp viên nổi có hàm lượng đạm từ 25% trở lên. Cho cá ăn 2 lần/ngày vào khoảng 7-8h sáng và 4-5h chiều. Khẩu phần cho cá ăn: 3-5 kg thức ăn cho 1 tạ cá/ ngày đối với những ngày nắng ấm bình thường; 1- 2kg thức ăn cho 1 tạ cá/ ngày đối với những ngày trời lạnh có nhiệt độ nước từ 15 - 200c và ngừng cho cá ăn khi nhiệt độ nước xuống dưới 150c. Đối với cá nuôi lưu qua mùa đông cần bổ sung thêm vitaminC với liều lượng 2gar vitaminC cho 1 kg thức ăn để cá không bị stress và tăng sức đề kháng cho cá. Không nên sử dụng thức ăn tự chế vì nếu cá không ăn hết sẽ gây ô nhiễm môi trường nước.

* Quản lý ao nuôi: Định kỳ 15 ngày 1 lần dùng vôi bột với liều lượng là 2kg vôi cho 100m3 hòa tan vào nước té đều xuống ao để ổn định pH, tẩy trùng cho ao nuôi chống các thiên địch gây nguy hại cho cá. Luôn duy trì độ sâu mực nước từ 1,5 - 2m. Tuyệt đối không kéo bắt cá trong thời gian nuôi giữ qua đông. Dùng rơm, rạ bó thành từng bó cho xuống ao nuôi cho cá khi nhiệt độ xuống thấp. Trồng dàn su su (diện tích bác dàn là khoảng   ½  diện tích bề mặt ao nuôi) hoặc có thể dùng bèo tây thả ½ diện tích ao nuôi để để che gió và phòng chống sương muối cho ao nuôi.

Rơm được bó thành từng bó chống rét cho cá.

Cho các bó rơm xuống ao khi nhiệt độ xuống thấp.

* Phòng bệnh cho cá: Cá là loài sống ở dưới nước công tác trị bệnh cho cá đã khó trị bệnh cho cá vào mùa đông còn khó hơn rất nhiều nên việc phòng bệnh cho cá là rất quan trọng sau đây là một số biện pháp phòng bệnh tổng hợp mà bà con nông dân cần làm tốt: Sau mỗi vụ ương giống hoặc nuôi cá thịt phải tát cạn, vét bùn đáy ao và cải tạo bằng vôi bột với liều lượng trung bình 7 kg/100m2 ao, những nơi ao bị chua phèn thì lượng vôi bón cần tăng lên 10 kg/100m2 ao, sau đó phơi đáy nhằm diệt các mầm bệnh còn tồn lưu trong bùn đáy ao.

Nguồn nước cấp vào trong ao ương, nuôi phải sạch, không bị ô nhiễm bởi các nguồn nước thải từ nhà máy, khu công nghiệp... không bị nhiễm mầm bệnh.

Cá giống trước khi vận chuyển đến ao ương, nuôi phải được kiểm tra dịch bệnh. Nếu phát hiện dịch bệnh phải kiên quyết dữ lại để xử lý bệnh. Nếu làm tốt khâu này sẽ hạn chế lây lan dịch bệnh và đảm bảo tỷ lệ sống của cá nuôi.

Cơ cấu mật độ thả nuôi, các yêu kỹ thuật khác như thức ăn, chăm sóc phải được thực hiện nghiêm túc tránh dư thừa làm ô nhiễm nguồn nước, tạo điều kiện cho cá lớn nhanh, có sức đề kháng phòng chống được dịch bệnh.

Phải khử trùng bằng Clorin (30 - 50 g/m3) các dụng cụ ương nuôi, thau chậu, xô, vợt dùng để chứa và đánh bắt cá.

Nếu sử dụng phân hữu cơ bón cho ao nuôi lưu cá qua đông, trước khi bón phân cần ủ kỹ với 2% vôi bột để diệt trừ một số vi khuẩn và trứng ấu trùng của ký sinh trùng gây bệnh cá cũng như gây ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ con người.

Và đặc biệt là không đánh bắt cá bằng các hình thức gây trầy xước cá.

* Trị bệnh cho cá nuôi: Thường xuyên quan sát các hoạt động của cá, đặc biệt vào lúc sáng sớm và khi cho cá ăn để phát hiện kịp thời hiện tượng cá bị bệnh. Khi cá nuôi có những biểu hiện bất bình thường như kém ăn, màu sắc thay đổi, thỉnh thoảng có một vài con bơi lờ đờ quanh ao, có hiện tượng cá chết rải rác cần có biện pháp sơ bộ chuẩn đoán dựa trên dấu hiệu bệnh lý và kịp thời báo cho cơ quan chuyên môn biết để hỗ trợ. Tiến hành ngay các biện pháp xử lý kịp thời như: Ngừng ngay việc bón phân hữu cơ cho ao, thay nước mới, sạch nhằm cải tạo môi trường. Cần phân tích xác định tác nhân gây bệnh và phân tích mẫu nước ao để xác định các yếu tố như: Oxy hoà tan, pH, H2S, NO2 và các chất khác.

Biện pháp tắm thuốc cho cá: Chủ yếu dùng để trị các bệnh do ngoại ký sinh trùng gây ra như trùng bánh xe, sán lá đơn chủ, trùng quả dưa... Tắm thuốc là biện pháp hoà thuốc vào dụng cụ chứa như xô, chậu, bể xây, thùng gỗ lót nilon, bồn chứa... (không nên dùng dụng cụ bằng kim loại). Sau đó thả cá bị bệnh vào tắm trong thời gian ngắn (15 – 30 phút). Khi tắm thuốc cho cá phải thường xuyên theo dõi sức chịu đựng của chúng và khả năng tiêu diệt mầm bệnh. Nếu mật độ quá dầy dụng cụ chứa nhỏ thì phải có sục khí trong quá trình tắm nhằm cung cấp đủ oxy hoà tan cho cá. Sau khi tắm thuốc, cần phải chuyển cá qua nước sạch và thả xuống ao, giai, bể. Trong trường hợp diện tích nuôi nhỏ và khối lượng nước không lớn, cá giống nhỏ hoặc ở giai cá bột thường dùng biện pháp rắc hoặc hoà tan thuốc vào xô rồi té đều trên mặt ao, bể hoặc giai. Biện pháp này có tác dụng tiêu diệt trùng cao, thao tác đơn giản. Cần chú ý tính toán số lượng nước chính xác và đúng nồng độ thuốc và lượng thuốc cần sử dụng.

Biện pháp cho ăn: Chủ yếu dùng trong các trường hợp cá bị bệnh nội ký sinh trùng, bệnh do vi khuẩn... Biện pháp có hiệu quả là trộn thuốc vào thức ăn cho cá và cho cá ăn. Nguyên liệu làm thức ăn trộn thuốc cần chọn loại thức ăn có chất lượng tốt bình thường. Lượng thức ăn trộn thuốc cho cá bệnh ăn cũng ít hơn lượng cho ăn hàng ngày để chúng có thể sử dụng hết thức ăn có thuốc.

Khi cá nuôi bị nhiễm bệnh, việc chữa bệnh bằng thuốc là cần thiết song phải luôn giữ môi trường nước trong sạch, đồng thời cho cá ăn thức ăn có chất lượng tốt hơn so với khi chưa bị bệnh để cá nhanh hồi phục, có sức chống lại dịch bệnh. Cần lưu ý các loại thuốc sử dụng phải nằm trong danh sách thuốc, hoá chất được Bộ Thuỷ sản cho phép và ngừng sử dụng các thuốc kháng sinh ít nhất 4 tuần trước khi thu hoạch.

5. Thu hoạch cá:

Sau khi nuôi cá đến thời điểm thu hoạch hoặc chuyển sang ao khác để nuôi thương phẩm thì  tiến hành thu hoạch, cần theo dõi diễn biến thời tiết lưu ý chỉ thu hoạch và chuyển ao nuôi khi nhiệt độ nước ao nuôi đạt trên 18C, trước khi thu hoạch, chuyển ao nuôi cần ngừng cho cá ăn 2 - 3 ngày, hạ bớt ½ lượng nước ao dùng lưới kéo cá thịt để thu hoạch cá. 

                                                                                                                                                                                                                   Hoàng Hiển Chi cục QLCL NLS&TS

 

 

Chi cục QLCL NLS&TS


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan