A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TẬP HUẤN TƯ VẤN KỸ THUẬT CHĂN NUÔI GÀ AN TOÀN SINH HỌC

 

 

 

Ngày 18/10/2021, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và Thủy sản - Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức lớp tập huấn “Tư vấn kỹ thuật chăn nuôi Gà an toàn sinh học” tại hội trường khách sạn Lan Anh, thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ cho 45 học viên là cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, cán bộ khuyến nông, chủ trang trại, thành viên HTX và hộ nông dân trên địa bàn huyện Phong Thổ.

Trong thời gian tập huấn các học viên được tiếp thu, trao đổi các kiến thức trong lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là kỹ thuật chăn nuôi Gà an toàn sinh học với nội dung cụ thể như: Khái niệm, vai trò, mục tiêu của ATSH trong chăn nuôi; Các vấn đề thường gặp trong chăn nuôi gà thịt ở nông hộ và nguyên nhân; Một số giải pháp kỹ thuật chăn nuôi gà ATSH; An toàn sinh học trong cơ sở chăn nuôi; Sử dụng vắc xin cho gà thịt; Lưu ý khi sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi; Sử lý chất thải và bảo vệ môi trường; Phòng và trị một số bệnh thường gặp ở gà…

Để giúp các học viên hiểu rõ hơn về vai trò ý nghĩa của việc Áp dụng ATSH trong chăn nuôi, lớp học thường xuyên tiến hành thảo luận nhóm, chia sẻ kinh nghiệm về chăn nuôi giữa các thành viên trong lớp… những nội dung luôn được quan tâm thảo luận đó là: Vị trí, địa điểm xây dựng chuồng trại chăn nuôi phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, có nguồn nước sạch và đảm bảo điều kiện xử lý chất thải theo quy định…; Chuồng trại luôn đảm bảo khô ráo, sạch sẽ và định kỳ phun sát trùng chuồng nuôi, khu vực xung quanh chuồng nuôi 1 - 2 lần/tuần để tiêu diệt mầm bệnh đồng thời phòng bệnh chủ động cho đàn Gà bằng cách tiêm đầy đủ các loại vắc xin theo lịch phòng bệnh cho Gà; Các phương tiện vận chuyển khi ra, vào trại chăn nuôi, khu vực chăn nuôi phải đi qua hố khử trùng và phải được phun thuốc sát trùng ngay tại cổng trại chăn nuôi nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào trại chăn nuôi; Mọi người trước khi vào khu chăn nuôi phải tắm sát trùng và thay quần áo, giầy dép và mặc quần áo bảo hộ theo quy định của trang trại; Gà giống mua về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh và nuôi cách ly ở khu vực riêng ít nhất 2 tuần; Áp dụng phương thức chăn nuôi “cùng vào cùng ra”, nuôi cùng lứa tuổi; Sau mỗi đợt nuôi phải vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi và sau đó để trống chuồng ít nhất 2 tuần trước khi nuôi lứa mới.

Chia sẻ về chăn nuôi tại gia đình và địa phương chị Trịnh Thị Thơm – thành viên lớp học, cán bộ TTDVNN huyện Phong Thổ cho biết việc áp dụng An toàn sinh học trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gà nói riêng tại địa phương còn rất hạn chế, người dân chưa chú trọng đến việc sử dụng vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi cũng như dùng hóa chất sát trùng định kỳ tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh; chưa áp dụng hình thức chăn nuôi “cùng vào cùng ra”, nuôi nhiều đối tượng vật nuôi cùng nhau… do đó tình hình dịch bệnh vẫn hay sảy ra như bệnh: Newcastle, Tụ huyết trùng, CRD… gây thiệt hại về kinh tế chăn nuôi của gia đình…

Thông qua lớp tập huấn “Tư vấn kỹ thuật chăn nuôi Gà an toàn sinh học” đã giúp các học viên nắm vững kiến thức, ý nghĩa, vai trò của việc áp dụng An toàn sinh học trong chăn nuôi… từ đó áp dụng vào thực tiễn sản xuất đảm bảo an toàn dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế trong phát triển chăn nuôi đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, hướng dẫn bà con nông dân áp dụng An toàn sinh học trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gà nói riêng./. 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan