Giữ chữ tín cho các sản phẩm OCOP
Triển khai chương trình OCOP đã giúp nhiều địa phương trong tỉnh xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của địa phương. Các chủ thể sản xuất dần hoàn thiện sản phẩm, nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Cùng với đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả tiếp thị, các chủ thể thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng.
Theo ông Vương Đức Lợi - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 158 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó, 11 sản phẩm 4 sao. Đồng hành với chủ thể của các sản phẩm, các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm. Cùng với đó, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công Thương tổ chức Hội nghị hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh. Qua đó, kết nối các chủ thể có sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm vào hệ thống các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh; phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh và các địa phương khác trong cả nước. Có thể kể đến như các sản phẩm trà, hạt mắc-ca khô, mật ong, gạo dâu, thịt trâu sấy khô, thịt hun khói, ruốc cá hồi, chuối sấy giòn, đông trùng hạ thảo, thuốc chữa bệnh gan A Súa và một số sản phẩm dược liệu…
Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm đã được thị trường đón nhận, có sức cạnh tranh. Đơn cử như sản phẩm trà đông phương mỹ nhân, trà ô long của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Chè Tam Đường là các sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao. Đưa 2 sản phẩm này tới thị trường còn giúp người tiêu dùng biết tới vùng chè nguyên liệu Lai Châu.
Trao đổi với chị Nguyễn Thị Loan - Giám đốc công ty, chúng tôi được biết thêm, ngoài 2 sản phẩm OCOP trên, hiện nay công ty còn sở hữu 5 sản phẩm 3 sao: trà sencha, trà kim tuyên, trà xanh hương nhài hữu cơ, trà matcha, trà cổ thụ Sà Dề Phìn. Để sản phẩm được thị trường đón nhận, công ty chủ động cải tiến mẫu mã, sản xuất các sản phẩm đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng và nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, cải tiến kỹ thuật. Nhiều năm gắn bó với cây chè, chị Loan mong muốn cung cấp tới người tiêu dùng sản phẩm hảo hạng, đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo SuKoVa (thành phố Lai Châu) trưng bày, giới thiệu sản phẩm.
Cũng trăn trở để sản phẩm không ngừng vươn xa, trong thời gian qua, các đơn vị sản xuất đông trùng hạ thảo được chứng nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã chủ động các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, nhà xưởng, sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung. Chị Phạm Thị Thư (hộ kinh doanh đông trùng hạ thảo SuKoVa, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) cho biết: Thời gian qua, cơ sở đã cung ứng các mặt hàng đông trùng hạ thảo sấy khô nguyên sợi, khô, hoa thảo khô thuần chay. Sản phẩm có các chỉ số dược tính cao, được các cơ sở sản xuất dược liệu trong nước tin dùng. Chị Thư cho biết thêm, với mong muốn cung cấp sản phẩm có chất lượng cao ra thị trường, trong dịp tỉnh Lai Châu phối hợp tổ chức giải chạy Marathon, đơn vị sản xuất cũng chủ động hàng hóa để phục vụ du khách, vận động viên, huấn luyện viên về dự giải.
Sản phẩm OCOP đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về vùng nguyên liệu và sử dụng lao động địa phương, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền. Các chủ thể thấy được lợi thế, cơ hội để phát triển và khai thác giá trị sản phẩm gắn với nét văn hóa truyền thống và điều kiện tự nhiên, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập. Nhờ đảm chất lượng sản phẩm, chủ thể của các sản phẩm OCOP: gạo séng cù đặc sản Than Uyên, nếp tan pỏm Tà Hừa, ổi Hua Nà, cá lăng, trắm sấy… trên địa bàn huyện Than Uyên đảm bảo tốt thu nhập và tạo việc làm ổn định cho lao động người địa phương.
Các sản phẩm OCOP được xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Qua khảo sát đánh giá sơ bộ, doanh số sau khi được công nhận sản phẩm OCOP của các chủ thể, các sản phẩm tăng trưởng bình quân trên 10%, đặc biệt có những sản phẩm tiêu thụ hàng năm tăng trên 4 lần, như: sản phẩm bánh chưng gù Hoàng Thanh của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thanh niên Mường Cang, sản phẩm đương quy khô Sìn Hồ của HTX Mý Dao, sản phẩm hoa actiso sấy Sìn Hồ của HTX Nông sản Dược liệu cao nguyên Sìn Hồ, sản phẩm chuối tươi Tam Đường của Công ty TNHH Thương mại Lai Châu... đã làm gia tăng giá trị, sản lượng sản phẩm và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng.
Hiệu quả của chương trình OCOP đã thấy rõ, để các sản phẩm tiếp tục vươn xa trên thị trường thời gian tới, các chủ thể cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó, không chỉ đánh thức tiềm năng thế mạnh của địa phương, còn khẳng định chữ tín của sản phẩm OCOP Lai Châu.
Bùi Chiến (Báo Lai Châu; Thứ tư, 29/03/2023 - 10:55')