• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xã biên giới đổi thay nhờ chăn nuôi

Với lợi thế địa bàn rộng, nhiều đồng cỏ, xã Pa Tần (huyện Sìn Hồ) đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật, hình thành các mô hình chăn nuôi tập trung. Từ đó, nâng cao cuộc sống người dân.

Đến thăm các mô hình chăn nuôi của người dân ở xã Pa Tần, chúng tôi thấy được phương pháp chăn nuôi đổi khác rất nhiều, không còn theo cách lạc hậu, phó mặc vào tự nhiên. Mỗi hộ có chuồng trại nuôi nhốt, bể chứa phân chuồng, đường làng, ngõ xóm không còn bóng dáng vật nuôi thả rông. Bên cạnh đó, các bãi đất hoang, cằn cỗi trở thành nơi trồng cỏ voi, bãi chăn thả. Chăn nuôi dần trở thành thế mạnh, thúc đẩy kinh tế địa phương.

Là một xã vùng cao, biên giới với 14 bản, nhiều thành phần dân tộc, địa hình, đường giao thông còn khó khăn nên việc chăn nuôi còn lạc hậu, vật nuôi không chỉ giảm sút về số lượng mà còn ảnh hưởng đến kinh tế của người dân. Để chăn nuôi hiệu quả, chính quyền xã tuyên truyền, vận động, làm cho người dân hiểu rõ giá trị kinh tế mà vật nuôi mang lại. Hướng dẫn người dân thay đổi phương pháp, làm chuồng trại nuôi nhốt, không thả rông, phòng, chống dịch bệnh. Quy hoạch các vùng đất chưa sử dụng, thuận lợi về địa hình, có nhiều đồng cỏ để làm các bãi chăn thả. Phối hợp với các ban, ngành của huyện cung cấp giống cho Nhân dân, triển khai một số mô hình chăn nuôi, mở các lớp dạy nghề nâng cao kiến thức cho bà con.

Để chăn nuôi thành nghề kinh tế mũi nhọn, Nhân dân các bản đẩy mạnh nhân giống tăng đàn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Chuồng trại xây dựng ở các hộ cách xa nơi ở, nền móng, tường vách được dùng bằng gỗ, gạch, ximăng xây dựng, có mái che bằng tôn. Trong những ngày hè, chuồng trại được thường xuyên vệ sinh, khử mùi, còn vào mùa đông, có bạt, tôn che chắn, gia súc được đóng cước móng chân, đốt lửa sưởi ấm, tăng cường muối, nước ấm trong khẩu phần ăn. Bên cạnh đó, bà con tích cực trồng cỏ voi, tích lũy rơm rạ, kết hợp với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi ngoài thị trường, giúp đàn vật nuôi khỏe mạnh, phát triển tốt.

Người dân xã Pa Tần (huyện Sìn Hồ) làm giàu từ chăn nuôi hươi.

Người dân xã Pa Tần (huyện Sìn Hồ) làm giàu từ chăn nuôi hươu.

Chị Cao Thị Thảo (bản Pa Tần 3) cho biết: Được xã vận động, tôi vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật để nhân giống tăng đàn. Tôi dựng chuồng trại nuôi nhốt, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, chủ động phòng, chống dịch bệnh nên đàn vật nuôi phát triển tốt. Hiện, tôi có 30 con gia súc, gần 100 con gia cầm.

Việc nhân giống tăng đàn luôn được người dân quan tâm, bà con lựa chọn những con khỏe mạnh nuôi nhốt chung hoặc thả lên các bãi. Khi có giống, đưa về nuôi nhốt, tăng cường nguồn thức ăn, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất khi vật nuôi sinh sản. Đối với đàn gia cầm, người dân nuôi tập trung, làm lồng, dựng chuồng, thiết kế các ổ để gia cầm đẻ trứng. Ngoài ra, vật nuôi được tiêm chủng định kỳ, chuồng trại phun thuốc tiêu độc khử trùng, các ổ dịch được khống chế kịp thời, không để lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhân dân. Hiện nay, toàn xã có 3.698 con gia súc, gần 17.000 con gia cầm, tốc độ tăng đàn 5%/năm.

Anh Lò Văn Nga - Phó Chủ tịch UBND xã nhận định: Thời gian tới, xã tăng cường tuyên truyền Nhân dân thay đổi phương pháp, nhân rộng các mô hình chăn nuôi, tuyên dương các hộ chăn nuôi điển hình tạo động lực thi đua phát triển kinh tế vươn lên làm giàu.

 

Thái Hà (Báo Lai Châu; Thứ sáu, 21/04/2023 - 14:57')


Nguồn:Báo Lai Châu Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...