Biện pháp Phòng trừ các sâu, bệnh hại chanh leo vào mùa mưa
Những năm gần đây tỉnh Lai đã tập trung phát triển cây trồng chanh leo thành cây trồng mũi nhọn theo hướng hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên Chanh leo có rất nhiều sâu bệnh hại nhất là các loại nấm và vi rút gây ra bệnh loang dầu và lở cổ rễ; các sâu bệnh hại trích hút quả, như: bọ trĩ, bọ xít, nhện đỏ… Thường gây hại chủ yếu vào các tháng mùa mưa. Để giảm tối đa các thiệt hại do sâu bệnh bà con cần áp dụng các biện pháp quản lý tổng hợp sâu bệnh hại chính như sau:
1. Biện pháp về giống: sử dụng cây giống của những cơ sở sản xuất uy tín, chất lượng tốt. Cây giống phải đảm chứng nhận sạch vi rút và không nhiễm các nấm bệnh truyền qua đất.
Cây giống tốt, sạch bệnh
2. Biện pháp canh tác: Trước khi chuẩn bị trồng chanh leo cần thu dọn sạch sẽ cỏ dại, tàn dư thực vật, nhổ bỏ các cây có cùng đối tượng bệnh hại với chanh leo như bầu bí, dưa chuột, su su, cà tím... Sau đó, Khử trùng đất bằng vôi bột (với lượng 0,5 kg/hố trước khi trồng ít nhất 15 - 20 ngày), xử lý mối, tuyến trùng và các loại sâu hại dưới đất bằng thuốc bảo vệ thực vật.
Sau khi trồng cần thường xuyên thường xuyên cắt tỉa chồi, lá bệnh, quả bệnh và đem tiêu hủy, tưới đủ nước, giữ nước trong mùa khô. Trong quá trình cắt tỉa những cành lá già bị sâu bệnh không được chạm vào cây khỏe nên đeo găng tay bảo vệ. Xử lý tiệt trùng dụng cụ, quần áo bảo hộ lao động sau khi chăm sóc vườn cây.
Sử dụng phân bón cân đối và hợp lý, tránh bón quá nhiều đạm, đặc biệt là trong điều kiện mùa mưa.
Cán bộ kỹ thuật kiểm tra vết bệnh trên quả chanh leo
Sau thu hoạch cắt toàn bộ các cành trên mặt giàn đã cho quả. Để lại thân và các cành từ mặt đất tới giàn. Khi chồi mới nhú ra từ 2 – 3 cm cần phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh để bảo vệ các chồi non.
3. Biện pháp sinh học: Sử dụng chế phẩm sinh học chứa các vi sinh vật đối kháng với nấm bệnh và các thảo mộc trừ tuyến trùng hại rễ. Các chế phẩm sinh học có thể kết hợp với các đợt bón phân, hoặc rắc chế phẩm ( trong vùng rễ) rồi phủ lớp đất lên hoặc hòa chế phẩm phun tưới cho cây. Thời kỳ trước và sau mùa mưa nên sử dụng nấm đối kháng Trichoderma nồng độ 0,5% tưới vào gốc từ 3-4 lần/vụ, mỗi lần cách nhau 10-15 ngày.
4. Biện Pháp hóa học: Sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, chỉ dụng các thuốc đã được đăng ký trong danh mục thuốc bảo vệ thực vậtđược phép sử dụng ở Việt Nam, nồng độ và liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Người dân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại cho Chanh leo
4. Quản lý cỏ dại: Cây chanh leo là cây thân thảo, hơn nữa bộ rễ chum ăn nông nên tuyệt đối không nên sử dụng các loại thuốc trừ cỏ kể cả các hoạt chất làm cỏ chết nhanh hoặc các hoạt chất nội hấp làm cỏ chết dần. Tốt nhất nên dung các biện pháp xới xáo cỏ thủ công hoặc bằng máy móc vừa làm cho đất tơi xốp rất tốt cho sự phát triển của bộ rễ hơn nữa các biện pháp này sẽ làm đứt bớt các loại rễ đã già tạo điều kiện cho bộ rễ mới phát triển.
Người dân xới xáo cỏ làm cho đất tơi xốp
Trên đây là các biện pháp quản lý tổng hợp sâu bệnh hại chính trên cây Chanh leo. Mong bà con áp dụng vào sản xuất để có một mùa màng bội thu./.
Đinh Hòa