Hướng dẫn hồ sơ cấp giấy chứng nhận ATTP cho cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc diện cấp giấy chứng nhận ATTP
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP không chỉ giúp các cơ sở sản xuất kinh, doanh thực phẩm củng cố niềm tin đối với khách hàng mà còn thể hiện mặt pháp lý đối với quy định của luật pháp Việt Nam. Vậy giấy chứng nhận an toàn thực phẩm là gì? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản xin hướng dẫn trình tự hồ sơ cấp giấy chứng nhận ATTP cho cơ sở như sau:
Thứ nhất: Căn cứ vào pháp lý
- Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2011
- Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm
- Căn cứ Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm
- Thông tư số: 03/VBHN-BNNPTNT ngày 23 tháng 02 năm 2023 về việc Quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện ATTP thuộc phạm vi quản lý của Bộ nông nghiệp và PTNT.
Thứ hai: Thành phần hồ sơ cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm: Theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật An toàn thực phẩm
a. Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (Bản chính)
b. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Bản sao)
c. Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Bản chính)
d. Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp (Bản chính)
đ. Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm (Bản chính).
Đối với thành phần hồ sơ quy định tại các điểm b, d và đ khoản 1 Điều 36 Luật An toàn thực phẩm, cơ sở gửi khi nộp hồ sơ hoặc cung cấp cho Đoàn thẩm định khi đến thẩm định thực tế tại cơ sở.
Thứ ba: Điều kiện cấp giấy phép an toàn thực phẩm cho cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản
- Địa điểm sản xuất: phù hợp với quy hoạch của địa phương; có khoảng cách thích hợp với các nguồn ô nhiễm như khu dân cư, bệnh viện, nghĩa trang, khu công nghiệp... nhằm tránh bị ô nhiễm cho sản phẩm;…
- Kết cấu nhà xưởng, bố trí sản xuất: đủ diện tích, dễ làm vệ sinh, không gây ô nhiễm cho sản phẩm; không có hiện tượng ngưng tụ hơi nước; các công đoạn sơ chế, chế biến được bố trí theo nguyên tắc 1 chiều, tránh gây ô nhiễm chéo…
- Trang thiết bị sản xuất: phù hợp để sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản, vận chuyển sản phẩm; trang thiết bị trực tiếp tiếp xúc với sản phẩm: không thấm nước, không gây độc cho sản phẩm, dễ làm vệ sinh…
- Vệ sinh nhà xưởng, trang thiết bị: sử dụng chất tẩy rửa nằm trong danh mục được phép sử dụng; dụng cụ làm vệ sinh, bảo trì, bảo dưỡng, có quy trình và thực hiện đúng quy trình vệ sinh nhà xưởng…
- Người trực tiếp sản xuất, vệ sinh công nhân: người trực tiếp sản xuất được khám sức khỏe định kỳ; có kiến thức về ATTP; có khu vực thay bảo hộ lao động; có đủ nhà vệ sinh ở vị trí thích hợp; đủ trang thiết bị làm vệ sinh công nhân; có quy định và thực hiện đúng quy định vệ sinh công nhân…
- Nguyên liệu và các yếu tố đầu vào sản xuất thực phẩm: nước, nước đá đáp ứng quy định về nước ăn uống; phụ gia, chất bảo quản, chất hỗ trợ chế biến trong danh mục được phép sử dụng, bảo quản và sử dụng theo đúng quy định; nguyên liệu đáp ứng yêu cầu để sản xuất thực phẩm…
- Phòng, chống động vật gây hại và xử lý chất thải, nước thải: có trang thiết bị và thực hiện phòng chống động vật gây hại; có biện pháp xử lý nước thải, nước thải đáp ứng quy định trước khi xả ra môi trường; có dụng cụ/ biện pháp thu gom, xử lý chất thải rắn…
- Bao gói, ghi nhãn, bảo quản, vận chuyển: vật liệu bao gói không gây ô nhiễm cho sản phẩm; Ghi nhãn đầy đủ thông tin, đúng quy định; có nơi bảo quản, phương tiện bảo quản, vận chuyển phù hợp với từng loại sản phẩm, được sắp xếp hợp lý và vệ sinh sạch sẽ; ...
- Điều kiện bảo đảm ATTP và QLCL: duy trì điều kiện bảo đảm ATTP; có quy định và thực hiện thực hành sản xuất tốt (GMP), thực hành vệ sinh tốt (SOP); khuyến khích cơ sở áp dụng các chương trình QLCL tiên tiến theo HACCP, ISO 22000; riêng cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản phải xây dựng và áp dụng HACCP
- Ghi chép và truy xuất nguồn gốc: ghi chép việc tiếp nhận và sử dụng nguyên liệu, vật tư đầu vào của quá trình sản xuất; việc ghi chép các biểu giám sát thực hiện GMP, SOP; biện pháp khắc phục các sai lỗi; các ghi chép nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm....
Sau khi hoàn thiện, cơ sở nộp hồ sơ lên Trung tâm hành chính công. Địa chỉ: Tầng 1, Tòa nhà số 2, Khu hợp khối các đơn vị sự nghiệp, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu.
Trên đây là các bước hướng dẫn thực hiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận dành cho cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc diện cấp giấy chứng nhận ATTP. Mong cơ sở áp dụng để hoàn thiện hồ sơ đúng quy định của pháp luật./.