Một số biện pháp dự trữ thức ăn cho trâu, bò trong vụ đông
Trong mùa đông, nhất là những ngày thời tiết rét đậm, rét hại, mưa rét kéo dài, nguồn thức ăn tươi cho trâu, bò khan hiếm. Sản lượng cỏ ở mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) chỉ chiếm 20 - 30% sản lượng cả năm. Vì vậy kế hoạch dự trữ nguồn thức ăn cho trâu, bò trong vụ đông là việc làm hết sức cần thiết. Sau đây là một số biện pháp dự trữ thức ăn cho trâu, bò trong vụ đông:
1. Ủ chua thức ăn xanh
Ủ chua là biện pháp bảo quản, dự trữ thức ăn thô xanh thông qua quá trình lên men yếm khí. Dự trữ được thức ăn trong thời gian dài.
1.1. Nguyên liệu
Thức ăn xanh: 100 kg cỏ trồng hoặc cỏ tự nhiên, thân, lá cây ngô sau thu hoạch, cây lạc, ngọn lá sắn...
Bột ngô hoặc cám gạo loại 1: 2 - 3 kg (nguyên liệu không bị ẩm, mốc...).
Muối ăn: 0,5 kg.
1.2. Chuẩn bị hố, túi ủ và các dụng cụ cần thiết
Tùy theo điều kiện của từng địa phương, từng hộ mà có thể sử dụng hố xây hoặc hố đào hay dùng túi ủ chuyên dụng.
Hố ủ: Chọn nơi cao ráo, không ứ đọng nước, thuận tiện đi lại và cạnh chuồng nuôi. Hố có thể làm hố tròn, hố vuông hay hình chữ nhật. Kích thước tùy vào số lượng gia súc và khẩu phần ăn/con/ngày. Tuy nhiên, với hố có thể tích 1m3 có thể chứa 300 - 400 kg nguyên liệu. Do đó, nên làm 1 hố ủ có dung tích ủ đảm bảo trữ lượng thức ăn cho gia súc sử dụng trong vòng 15-20 ngày.
Túi ủ: Dùng túi ủ chuyên dụng hoặc túi nilon bên ngoài là bao tải dứa.
Các dụng cụ cần thiết: Dao, thớt, máy thái dùng để băm, thái thức ăn. Bạt, bao tải dứa, nilon, tấm lợp... để che đậy hố ủ.
1.3. Kỹ thuật ủ
Cỏ thu hoạch về tiến hành băm, thái thành từng đoạn dài 5-7cm, sau đó đem đi phơi tái (hoặc phơi trước khi băm). Khi cỏ có độ ẩm khoảng 65-70% là phù hợp để đem ủ. Để đảm bảo các nguyên liệu được trộn đều với nhau, cần tiến hành trộn đều muối ăn với bột ngô hoặc cám gạo loại 1, sau đó đem hỗn hợp này trộn đều với cỏ.
- Với túi ủ: Nguyên liệu sau khi đã trộn đều cho vào túi ủ càng nhanh càng tốt, cho từng lớp từ 15 - 20cm, nén chặt. Chú ý cần nén trên toàn bộ bề mặt, xung quanh và các góc, sau đó tiếp tục cho các lớp khác cho đến khi đầy túi thì dùng dây buộc chặt lại, ghi ngày tháng ủ, đưa vào bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh chuột, bọ, gián... cắn thủng bao, không khí sẽ xâm nhập làm mốc, hỏng thức ăn.
- Với hố ủ: Vệ sinh sạch sẽ hố ủ trước khi đem nguyên liệu vào ủ. Lót đáy hố bằng gạch hoặc rơm khô, xung quanh bằng bạt dứa, túi nilon đảm bảo kín, không bị hở. Cách đưa nguyên liệu vào tương tự như đem vào túi ủ, khi đầy hố thì phủ thêm 1 lớp rơm rạ và tiến hành che đậy kín đảm bảo không khí và nước mưa không vào.
1.4. Cách sử dụng: Sau 1 tháng ủ thì có thể lấy ra cho gia súc ăn. Vào ngày đầu tiên nên cho ăn lượng nhỏ, sau đó tăng dần và đến ngày thứ 3 - 4 thì cho ăn lượng tối đa cần thiết. Trâu, bò: 7-12 kg/con/ngày; Bê, nghé: 4-7 kg/con/ngày. Ngoài ra cho ăn thêm cỏ xanh và rơm.
2. Xử lý rơm với urê và vôi
2.1. Nguyên liệu
Một số công thức có thể áp dụng:
100 kg rơm khô + 4 kg urê + 70-100 lít nước sạch.
100 kg rơm khô + 4 kg urê + 0,5 kg vôi tôi + 70 - 100 lít nước sạch.
100 kg rơm khô + 2,5 kg urê + 2-3 kg vôi tôi + 70 -100 lít nước sạch
2.2. Hố ủ và dụng cụ
Hố ủ và túi ủ tương tự như ủ chua thức ăn xanh.
Các dụng cụ khác gồm: cân 1 chiếc, chậu to 2-3 chiếc, ô doa 1 chiếc để tưới nước cho đều. Nếu không có ô doa thì dùng gáo nhựa dội qua rổ thưa, dây cao su để buộc miệng bao tải, 1 mảnh nilon đủ rộng.
2.3. Kỹ thuật ủ
Cân rơm, tính lượng urê, vôi và nước cần thiết. Urê và vôi được hòa tan trong nước cho đều. Nếu rơm tươi thì không hòa urê và vôi vào trong nước.
- Nếu ủ trong hố thì rải từng lớp rơm mỏng khoảng 20 cm rồi tưới nước urê/vôi sao cho thật đều, đảo qua đảo lại cho ngấm đều rồi nén chặt, tiếp tục trải một lớp rơm và nước, lại nén chặt. Làm lần lượt cho đến khi hết lượng rơm cần ủ. Sau đó phủ bao ni lông lên cho thật kín, không để không khí, nước mưa ở ngoài lọt vào và khí NH3 ở trong bay ra.
- Nếu ủ trong túi thì rải từng lớp rơm dày khoảng 20 cm, sau đó tưới nước urê và vôi đã hòa tan cho thấm ướt đều, không dội quá nhiều làm thừa nước urê gây lãng phí. Lần lượt như vậy tới khi hết lượng rơm cần xử lý. Các lớp ở dưới nên tưới ít hơn các lớp trên vì nước dư thừa sẽ thấm xuống dưới. Sau khi rơm được tưới đều thì cho chúng vào túi ủ, nén thật chặt rồi dùng dây cao su buộc. Đưa vào bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh chuột, bọ, gián... cắn thủng bao, không khí sẽ xâm nhập làm hỏng thức ăn.
2.4. Cách sử dụng
Yêu cầu về chất lượng: Rơm ủ từ 3-6 tháng đạt chất lượng phải có màu vàng đậm, mềm, có mùi thơm dễ chịu, không có mùi nấm mốc, giúp cho gia súc tiêu hóa tốt. Sau khi ủ 2 tuần (mùa hè), 3 tuần (mùa đông) thì lấy rơm cho gia súc ăn. Ban đầu cho ăn ít 1 - 2kg/con/ngày, sau 2 - 3 ngày sẽ quen rồi tăng dần lượng ăn lên. Mỗi ngày cho ăn tối đa từ 5 - 6 kg rơm ủ/con, kết hợp với thức ăn thô xanh./.
Kiều Lê – Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản