• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quản lý dịch hại trên vườn cây bưởi theo hướng VietGAP

 

Trước đây, việc đối phó với dịch hại trên cây ăn quả nói chung và cây bưởi nói riêng chủ yếu dựa vào thuốc hóa học. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc hóa học để khống chế dịch hại trong thời gian dài đã làm phát sinh ra nhiều loài dịch hại mới, làm bộc phát dịch hại mạnh hơn, làm xuất hiện tính kháng thuốc của dịch hại, gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại hệ sinh thái, gây độc cho người, cho thiên địch... Vì vậy, để giữ được cân bằng sinh học (cân bằng giữa thiên địch và dịch hại), ổn định được môi trường và đạt hiệu quả kinh tế cao bà con cần quản lý dịch hại bằng cách tổng hợp các biện pháp dựa trên cơ sở sinh thái và môi trường.

* Áp dụng Biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên vườn cây bưởi

- Thiết lập hệ thống tự nhiên để ngăn ngừa hay giảm thiểu sâu, bệnh hại bằng cây trồng xen.

- Trồng một số cây trồng có tác dụng xua đuổi côn trùng (các loại rau thơm, rau gia vị, gừng, nghệ,….)

- Trồng xen lạc, đậu tương hoặc các loại đậu khác.

- Xây dựng hàng rào chắn gió (trồng cây keo bốn xung quanh vườn) để ngăn ngừa di chuyển của côn trùng theo gió.

* Biện pháp kỹ thuật canh tác

- Sử dụng giống bưởi sạch bệnh, trên vườn cây bưởi sẽ tiến hành kiểm tra nếu có cây nào bị nhiễm bệnh sẽ loại bỏ.

- Thường xuyên vệ sinh vườn, nhất là sau thu hoạch nhằm loại bỏ nguồn bệnh hại, cắt đứt nguồn lây nhiễm.

- Cắt tỉa cành tạo cho vườn cây bưởi thông thoáng, tạo điều kiện bất lợi cho nhiều loại dịch hại, khống chế độ cao của cây để dễ dàng chăm sóc và thu hoạch.

- Cân bằng dinh dưỡng bằng bón phân hợp lý, tăng cường chất hữu cơ, làm giàu vi sinh vật có lợi (không sử dụng phân bón lá định kỳ).

- Duy trì mật độ trồng hợp lý (vườn có mật độ 330 – 400 cây/ha).

- Quản lý cỏ dại: ngoài thời gian các cây trồng xen có mặt trên vườn, vườn luôn được làm sạch cỏ, nhất là vùng gốc cây bưởi để loại bỏ những loại sâu, bệnh có thể tấn công vào gốc cây bưởi.

- Có hệ thống mương rãnh thoát nước, không để ngập úng hoặc đọng nước cục bộ để tránh nấm bệnh gây hại bộ rễ cây bưởi.

* Biện pháp cơ học và vật lý

- Sử dụng bẫy, bả hoặc bắt bằng tay.

- Cần thiết có thể sử dụng biện pháp tưới nước áp suất cao lên chồi lá non, quả non trong mùa hanh, nóng để hạn chế bọ trĩ, nhóm nhện hại và sâu ăn lá. 

* Biện pháp sinh học

- Mỗi loài dịch hại có các loài thiên địch khống chế chúng cho nên cần được bảo vệ và khích lệ chúng phát triển. Tiến hành nhân nuôi và thả thiên địch khi chúng xuất hiện dưới ngưỡng phòng trừ.

- Các loài thiên địch trên cây bưởi như: Các loài bọ rùa, ong ký sinh, bọ ba khoang, chuồn chuồn cỏ, các loài nhện lớn và nhện nhỏ bắt mồi, bọ ngựa, kiến vàng..

* Biện pháp hóa học

- Kiểm tra thường xuyên tình hình dịch hại trên vườn để quyết định phun hay không phun, nhìn chung chỉ dùng thuốc khi cần thiết, không phun định kỳ. 

- Thực hiện 4 đúng khi sử dụng thuốc: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng nồng độ và đúng cách.

- Khi tiến hành xử lý các loại thuốc BVTV thì nên sử dụng các loại thuốc thế hệ mới, thuốc nguồn gốc sinh học có hiệu lực cao khi sâu phát sinh gây hại.

* Sử dụng túi bao quả bưởi: Sử dụng túi bao quả bưởi chuyên dụng màu vàng, màu trắng… để bao quả bưởi hạn chế rám nắng và sâu bệnh hại gây hại, hạn chế sử dụng thuốc BVTV.

Chúc bà con quản lý dịch hại tốt và thu hoạch được nhiều sản lượng!

 

Đinh Hòa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...