• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu: Tăng cường chỉ đạo sản xuất nông, lâm nghiệp, ứng phó thiên tai

Hôm nay (13/4), UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Công văn số 1347/UBND-KTN về việc tăng cường chỉ đạo sản xuất nông, lâm nghiệp, ứng phó thiên tai.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp, chủ động ứng phó với diễn biến khắc nghiệt và phức tạp của thời tiết, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

Các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường triển khai các giải pháp phòng chống hạn hán; phòng cháy, chữa cháy rừng; phòng, chống mưa đá, dông, lốc,... hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 09/02/2023 về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023; Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 24/3/2023 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; ứng phó dông, lốc, sét, mưa đá.

Các đơn vị, địa phương được phân bổ vốn khắc phục hậu quả thiên tai tại Quyết định số 420/QĐ-UBND ngày 13/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phân bổ, bổ sung kinh phí thực hiện các Chương trình mục tiêu, Chương trình mục tiêu quốc gia và các chế độ, chính sách năm 2023, khẩn trương triển khai sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng đảm bảo nước tưới phục vụ cho sản xuất.

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; vi phạm về chấp hành pháp luật trong bảo vệ môi trường; san lấp, đổ thải không đúng nơi quy định, lấn chiếm dòng chảy trái phép gây nguy cơ mất an toàn cho tài sản và tính mạng của tổ chức, cá nhân khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai để kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các biện pháp phòng, tránh hiệu quả; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống hạn, phòng chống cháy rừng, phòng chống thiên tai của các địa phương. Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đề xuất các giải pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất sau hạn hán, thiên tai (nếu có). Vào các ngày cao điểm, tăng cường lực lượng và tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên cập nhật tình hình thiệt hại, báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc chỉ đạo triển khai công tác chăm sóc diện tích đã trồng và chuẩn bị trồng mới các loại cây trồng theo chỉ tiêu kế hoạch giao năm 2023 trên địa bàn các huyện, thành phố (bao gồm cả trồng rừng). Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra việc tuân thủ quy trình kỹ thuật của các loại cây trồng được ngân sách nhà nước hỗ trợ (tất cả các nguồn vốn) trên địa bàn toàn tỉnh. Kịp thời tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn để đảm bảo phát huy hiệu quả cao nhất của các nguồn vốn hỗ trợ.

Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lai Châu, cơ quan Thông tấn, báo chí trung ương thường trú trên địa bàn tỉnh: Tăng cường tuyên truyền về tình hình khí tượng, thủy văn, khả năng xảy ra hạn hán, cháy rừng, mưa đá, gió lốc,... Phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương kịp thời có thông tin dự báo, cảnh báo và hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp phòng chống hiệu quả.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Chỉ đạo kiểm tra, hướng dẫn phòng, chống hạn cho diện tích lúa Đông xuân đã gieo trồng, các công trình thủy điện có liên quan đến các vùng sản xuất phải đảm bảo dòng chảy tối thiểu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Trong trường hợp nguy cơ hạn hán phải ưu tiên xả nước phục vụ sản xuất khi có yêu cầu; xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm; không để tình trạng thiếu nước ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.

Kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng của cây trồng các năm trước như trồng rừng, cây ăn quả,... có phương án hỗ trợ theo quy định; hoặc vận động trồng dặm, trồng bổ sung theo thời vụ đảm bảo chất lượng.

Chỉ đạo chuẩn bị tốt các điều kiện về đất đai, giống cây trồng,... cho thời vụ trồng rừng, trồng chè, cây ăn quả và các chính sách hỗ trợ sản xuất thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia theo kế hoạch năm 2023 đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và kế hoạch đề ra.

Tăng cường kiểm tra các đơn vị, các chủ rừng xây dựng và triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tuân thủ quy định về đốt nương, làm rẫy; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ rừng, các Ban quản lý rừng phòng hộ, cộng đồng dân cư trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, tuyên truyền người dân không vào rừng chặt phá cây rừng trái phép; làm rõ trách nhiệm của các Ban quản lý rừng phòng hộ, của Ủy ban nhân dân các xã được giao quản lý rừng và cộng đồng dân cư, hộ gia đình được giao khoán bảo vệ rừng để xảy ra phá rừng, mất rừng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Tổ chức kiểm tra, dự báo loại hình thiên tai, khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, nhất là trong thời điểm hiện nay như mưa đá, gió lốc,... có phương án ứng phó cụ thể; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng, tránh.

Kiểm tra, xử lý nghiêm và yêu cầu khắc phục đối với các công trình, dự án san gạt, đổ thải không đúng quy định, lấn chiếm dòng chảy trái phép gây nguy cơ ách tắc, thay đổi dòng chảy, trượt sạt đe dọa đến an toàn về tài sản và tính mạng của tổ chức, cá nhân khi xảy ra mưa lũ.

Khẩn trương triển khai sửa chữa các công trình, đặc biệt là các công trình thủy lợi bị hư hỏng để đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất.

Thu Hoài (Cổng TTĐT tỉnh Lai Châu; Thứ 5, 13/04/2023 | 16:26 )


Nguồn:https://laichau.gov.vn/thong-tin-ve-phong-chong-thien-tai-tim-kiem-cuu-nan/tang-cuong-chi-dao-san-xuat-nong-lam-nghiep-ung-pho-thien-tai.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...