A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần quan tâm hơn nữa đến công tác phòng, chống thiên tai

Chiều nay (5/4), UBND tỉnh Lai Châu tổ chức họp Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì cuộc họp.

Đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì cuộc họp.

Dự cuộc họp còn có các đồng chí là thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh.

Theo báo cáo công tác phòng, chống thiên tai năm 2022; 3 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2023 trên địa bàn tỉnh: Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 đợt rét đậm, rét hại, 12 đợt mưa đá, dông, lốc, mưa lớn. Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 đợt rét đậm, rét hại; 3 đợt mưa lớn, dông, lốc; 1 trận động đất đã gây thiệt hại nhiều tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tại cuộc họp.

Hàng năm, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương bố trí kinh phí để giúp tỉnh Lai Châu khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, bố trí dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng, tránh thiên tai; chính quyền các cấp từ tỉnh, huyện đến xã và các đoàn thể, quần chúng phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong công tác chỉ đạo, chỉ huy PCTT; người dân ủng hộ trong công tác PCTT và TKCN đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, khắc phục hậu quả tác động của thiên tai trong thời gian ngắn nhất. Ý thức của người dân trong PCTT ngày càng nâng lên, đa số người dân đã biết cách phòng tránh, bảo vệ tính mạng và tài sản khi có thiên tai, qua đó đã giảm thiểu được mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tuy nhiên, đối với tỉnh Lai Châu, công tác dự báo, cảnh báo tuy đã có nhiều tiến bộ song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, chưa lường hết được các diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tai như: Việc cảnh báo mưa lớn cục bộ và nguy cơ sạt lở lũ quét còn chưa chi tiết do công nghệ dự báo còn hạn chế; việc cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất còn hạn chế trong phạm vi rộng, chưa cụ thể tới từng thôn, xóm để người dân có thể chủ động phòng tránh. Là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, địa hình chia cắt mạnh, thường xuyên xảy ra mưa đá, gió lốc, trượt sạt vào mùa mưa, dân cư phân tán. Mạng lưới giao thông của tỉnh hầu như chỉ có đường bộ, các tuyến đi qua các khu vực có địa hình chia cắt, độ dốc lớn thường xuyên chịu tác động bất lợi của thiên tai nên thường xuyên bị sạt lở đất, hư hỏng đường, gây tắc nghẽn giao thông nên khó khăn cho công tác chỉ đạo điều hành, ứng cứu, cứu trợ và khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra...

Thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu đã đưa ra các ý kiến, tập trung vào các nội dung: Công tác dự phòng vật tư, phương tiện, lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết khác nhằm đảm bảo ứng cứu, hỗ trợ kịp thời, đảm bảo sớm ổn định sản xuất và đời sống của Nhân dân; quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên trên các sông suối; xử lý nghiêm việc đổ thải, làm cản trở dòng chảy; khó khăn trong chuẩn bị vật tư, trang thiết bị phục vụ ứng cứu khi thiên tai xảy ra; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cảnh báo, nâng cao ý thức của người dân; sẵn sàng về lực lượng, phương tiện khi có thiên tai xảy ra...

Quang cảnh cuộc họp.

Trước diễn biến thời tiết khó lường trong thời gian tới, đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác phòng, chống thiên tai. Các cơ quan, đơn vị phải xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của cơ quan, đơn vị, địa phương mình hoặc rà soát lại các phương án đã xây dựng cho phù hợp với thời điểm hiện tại, sau đó chuyển về cho cơ quan thường trực để xây dựng phương án cấp tỉnh. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông trong đó tài liệu tuyên truyền bám sát vào các văn bản chỉ đạo, các chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch 5 năm... để tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, nhất là giúp người dân hiểu về các phương án, loại hình thiên tai, địa bàn xảy ra thiên tai, công tác phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Đẩy mạnh việc quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả Quỹ phòng, chống thiên tai. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn, đặc biệt là phương án phòng, chống thiên tai trong năm đối với các Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai cấp huyện. Về kinh phí phải thực hiện nghiêm túc Luật phòng, chống thiên tai. Cơ quan thường trực phối hợp với Sở Ngoại vụ để bổ sung nội dung hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai. Đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong chấp hành Luật phòng, chống thiên tai...

Đinh Lan (Cổng TTĐT tỉnh Lai Châu; Thứ 4, 05/04/2023 | 18:26)


Nguồn:Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lai Châu Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan