• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phong Thổ: Khai thác lợi thế, phát triển Sâm Lai Châu

Tận dụng lợi thế của địa phương có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu mát mẻ phù hợp phát triển cây dược liệu nói chung, đặc biệt là cây Sâm Lai Châu nói riêng, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ gia đình trên địa bàn huyện Phong Thổ đã mở rộng diện tích trồng cây Sâm Lai Châu, chú trọng đến khâu chăm sóc để cây Sâm phát triển tự nhiên, cho sản phẩm chất lượng tốt.

Sản phẩm Sâm Lai Châu của một số Hợp tác xã trên địa bàn huyện Phong Thổ được trưng bày tại Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022.

Phong Thổ là huyện biên giới có diện tích rừng lớn (trên 46.000ha), độ che phủ rừng đạt 44,25%. Nhiều nơi trong huyện có độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển cây Sâm Lai Châu bởi loại cây này phân bố nhiều ở độ cao 1.400 - 2.200m so với mực nước biển. Với mục tiêu phát triển bền vững Sâm Lai Châu trên cơ sở tận dụng mọi tiềm năng, lợi thế của huyện; các chính sách của tỉnh về phát triển Sâm Lai Châu và đảm bảo người dân cũng như doanh nghiệp đều được tiếp cận chính sách hỗ trợ nhằm thay đổi nhận thức, tạo phong trào phát triển vùng nguyên liệu, thời gian qua, huyện Phong Thổ đã rà soát, đánh giá diện tích các khu vực có điều kiện phù hợp để gây trồng, phát triển Sâm Lai Châu thu hút các nhà đầu tư theo quy định. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với người dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, thu hút người dân sống gần rừng tham gia vào hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hái Sâm của tổ chức, doanh nghiệp để chia sẻ lợi ích, gắn với bảo vệ rừng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

UBND huyện Phong Thổ cũng đã ban hành Kế hoạch số 382/KH-UBND ngày 09/3/2020 về triển khai thực hiện Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Bám sát định hướng và áp dụng các kiến thức được tập huấn, doanh nghiệp, HTX, người dân đã phát triển cây Sâm theo hướng tự nhiên. Nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cây là từ lớp mùn được tạo nên từ lá khô…

Người dân bản Thà Giàng, xã Sì Lở Lầu chăm sóc vườn Sâm.

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện trên địa bàn huyện Phong Thổ có 179,240 m2 Sâm Lai Châu. Trong đó, có 8 HTX, doanh nghiệp đã trồng được 96,090 m2, còn lại là diện tích trồng rải rác của các hộ gia đình ở các xã: Mồ Sì San, Sì Lở Lầu, Tung Qua Lìn, Dào San, Bản Lang. Hầu hết diện tích Sâm đã trồng đều phát triển tốt.

Với mong muốn bảo tồn, giữ gìn, phát triển giống Sâm quý địa phương, anh Phàn Phủ Liêu - Bản Thà Giàng, xã Sì Lở Lầu chia sẻ: Từ năm 2017, gia đình tôi đã trồng Sâm Lai Châu. Trước khi trồng, tôi đã đi học hỏi kinh nghiệm tại một số hộ gia đình, HTX trong xã, đi học tập kinh nghiệm tại Viện Nghiên cứu lâm sinh tại Hà Nội. Sau khi trở về, tôi đã bàn với anh em, gia đình người thân trong nhà gom tiền đầu tư hệ thống màng lưới để chăm sóc, ươm cây đúng kỹ thuật. Với số vốn ban đầu 500 triệu đồng tôi đã mua hạt giống Sâm về tự ươm được khoảng 4.000 cây. Khi có sản phẩm tôi mang bán để quay vòng tái đầu tư mua thêm hạt giống, nhân rộng diện tích trồng Sâm lên khoảng 2 vạn cây. Cuối năm 2022, gia đình tôi đã xuống giống được 30 kg hạt Sâm Lai Châu với tỷ lệ nảy mầm khoảng 95%, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Thời gian tới, nhà tôi vẫn tiếp tục đầu tư phát triển trồng cây Sâm Lai Châu nâng diện tích khoảng 2ha…

Cây Sâm non vừa ra lá.

Sâm Lai Châu là loại dược liệu quý hiếm được đưa vào Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam (2007). Điểm nổi bật nhất của Sâm chính là hàm lượng Saponin tổng hợp rất cao, lên tới 21,34%. Trong Sâm còn có Majonosid-R2 (MR2) là hoạt chất có khả năng kháng vi rút gây ung thư, chiếm hàm lượng 7,78%; hợp chất silphioside E có tác dụng chống đông máu. Tất cả các bộ phận của cây đều có thể sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Nếu thân rễ thường làm thuốc bổ, cầm máu thì lá, nụ hoa dùng pha trà, kích thích tiêu hóa, an thần. Sâm rất tốt để chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Sâm là cây đem lại giá trị kinh tế cao, tùy theo độ tuổi, trọng lượng mà cây Sâm có giá thành khác nhau. 

Anh Nguyễn Hải Châu - Giám đốc HTX Thuận Phát, xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ chia sẻ: HTX của chúng tôi thành lập từ năm 2019 với 7 thành viên. Hiện nay, chúng tôi đang có 1,5 vạn cây Sâm giống, trên 2.000 cây Sâm trên 6 năm tuổi. Khi nhiều người biết đến sản phẩm Sâm tốt cho sức khỏe đã liên hệ đặt hàng. Đây chính là động lực để chúng tôi mở rộng diện tích trồng, dự kiến chúng tôi sẽ phát triển lên 20 vạn cây Sâm Lai Châu...

Nhằm thúc đẩy phát triển vùng trồng Sâm Lai Châu trên địa bàn huyện Phong Thổ theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, tạo sinh kế cho người dân, thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tham mưu cho UBND huyện kiến nghị cấp có thẩm quyền thực hiện Đề án thí điểm thuê môi trường rừng để phát triển dược liệu dưới tán rừng. Kêu gọi các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phát triển vùng trồng Sâm Lai Châu ở những nơi có điều kiện tại các xã: Mồ Sì San, Sì Lở Lầu, Pa Vây Sử, Tung Qua Lìn, Dào San, Sin Suối Hồ… 

Huyện cũng phát triển các hình thức hợp tác trong trồng, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm Sâm Lai Châu. Liên kết nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến Sâm Lai Châu, tạo ra các sản phẩm có tiêu chuẩn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hướng tới xuất khẩu; phấn đấu đưa nghề nuôi trồng dược liệu nói chung, trồng và phát triển Sâm Lai Châu nói riêng trở thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Cùng với đó, thực hiện khảo sát xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến Sâm và các loại cây dược liệu khác trên địa bàn huyện. Quảng bá chất lượng, đặc biệt quan tâm đến các hàm lượng chất quý có trong Sâm Lai Châu; giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm Sâm Lai Châu do các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân sản xuất trên địa bàn huyện; nghiên cứu thành lập các cửa hàng giới thiệu, kinh doanh các sản phẩm Sâm Lai Châu, giúp đỡ xây dựng, phát triển thị trường tiêu thụ đầu ra sản phẩm... hướng đến mục tiêu vừa bảo tồn, phát triển Sâm vừa bảo vệ rừng, đưa Sâm Lai Châu không chỉ xứng đáng danh là ”Quốc bảo” của Việt Nam mà còn là ”Quốc kế dân sinh” mang lại thu nhập cao cho người dân vùng biên giới Phong Thổ.

Nguyễn Nga (Cổng TTĐT tỉnh Lai Châu; Chủ nhật, 16/04/2023 | 17:22)


Nguồn:Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lai Châu Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...