Nỗ lực cho vụ lúa đông xuân thắng lợi
Trước diễn biến phức tạp của sâu bệnh gây hại, huyện Than Uyên đã chủ động các giải pháp phòng, chống dịch, bảo vệ mùa màng với quyết tâm gặt hái thêm một vụ lúa đông xuân thắng lợi.
Than Uyên là một trong những vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Song song với việc triển khai các mô hình sản xuất mới nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng đất, các địa phương trên địa bàn toàn huyện vẫn duy trì mùa vụ truyền thống. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, sâu bệnh, các cơ quan chuyên môn đang đồng hành cùng các hộ sản xuất chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa.
Vụ đông xuân năm nay, trên địa bàn toàn huyện gieo cấy hơn 2 nghìn hécta lúa, cùng với việc đưa các giống cho năng suất, sản lượng cao vào sản xuất, huyện Than Uyên tiếp tục mở rộng diện tích lúa cho chất lượng cao, đặc sản của địa phương: tẻ dâu, séng cù và một số giống lúa nếp vào sản xuất. Tới thời điểm hiện tại, trà lúa sớm đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh, đứng cái; trà lúa chính vụ trong giai đoạn đẻ nhánh. Lúa đang phát triển tốt, nhưng nhìn lại quá trình sản xuất năm nay, nhà nông huyện Than Uyên đã gặp không ít khó khăn.
Ngay từ đầu vụ, thời kỳ mạ đang phát triển thì gặp các đợt rét kéo dài, để bảo vệ mùa vụ, các cơ quan chuyên môn đã cùng bà con chủ động các giải pháp chống rét. Tiếp đó, ảnh hưởng của diễn biến thời tiết phức tạp, sâu bệnh hại xuất hiện trên diện rộng, nhờ chủ động các giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa nên không thành dịch lớn.
Nông dân xã Mường Than phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Thăng - Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, chúng tôi được biết, trước diễn biến phức tạp của vụ sản xuất năm nay, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất; hướng dẫn các địa phương thực hiện biện pháp chống rét, phòng trừ sâu bệnh hại.
Bà Lê Thị Hạnh - Chủ tịch UBND xã Hua Nà cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, các địa phương tổ chức tốt vệ sinh đồng ruộng, làm đất, khởi thông mương máng, rắc vôi xử lý đồng ruộng để phòng trừ sâu bệnh và cải tạo đất. Duy trì các giải pháp kỹ thuật, chủ động lượng thuốc phòng trừ sâu bệnh, duy trì thăm đồng để luôn giữ mực nước phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa và kịp thời phát hiện, xử lý sâu bệnh hại.
Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Than Uyên cho biết: Giai đoạn lúa đẻ nhánh - đứng cái, các địa phương: Mường Than, Phúc Than và thị trấn xuất hiện tập đoàn rầy. Tiếp đó khi lúa sinh trưởng tới giai đoạn đứng cái, vào đòng thì các xã: Hua Nà, Nà Cang, Mường Kim lại bị sâu đục thân, đạo ôn lá… Nhờ phát hiện sớm, khoanh vùng kịp thời nên sâu bệnh không phát triển trên diện rộng, ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng.
Không chỉ chủ động phòng, chống sâu bệnh hại, huyện Than Uyên cũng đã thực hiện tốt công tác dự báo diễn biến sâu bệnh hại. Phối hợp với các cơ quan truyền thông khuyến cáo bà con phòng trừ. Những ngày qua, thời tiết nắng nóng, tạo điều kiện để sâu bệnh hại lúa phát triển. Nền nhiệt cao, trên cánh đồng thường xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, đạo ôn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, khô vằn và lùn sóc đen.
Theo kinh nghiệm sản xuất của bà con, sâu bệnh thường xuất hiện vào giai đoạn quan trọng của quá trình sinh trưởng, quyết định năng suất, sản lượng của vụ sản xuất. Do đó, trong thời gian tới, huyện Than Uyên sẽ tiếp tục chú trọng công tác phòng trừ sâu bệnh hại, triển khai các giải pháp chống dịch một cách đồng bộ, kịp thời... nỗ lực gặt hái một vụ lúa đông xuân bội thu.
Bùi Chiến (Báo Lai Châu; Thứ hai, 17/04/2023 - 20:41')