KỸ THUẬT NUÔI CÁ LỒNG TRÊN HỒ CHỨA
1. Xây dựng lồng và vị trí đặt lồng
a. Vật liệu
- Vật liệu làm khung lồng: Có thể sử dụng tre, hóp...hoặc các loại vật liệu khác có độ bền cao hơn như: sắt mạ kẽm, kẽm ... Hiện nay khung lồng làm bằng sắt mạ kẽm chống rỉ sét hoặc ống kẽm Ø 27 - 34 mm được nhiều nơi sử dụng có độ bền rất tốt.
- Vách lồng: được làm từ nhiều loại vật liệu như: mành tre, tre (hóp) cây, lưới nilon, lưới kim loại, lưới chất dẻo (PE, PA...). Kích thước mắt lưới hoặc độ lớn khe đăng tuỳ thuộc cỡ cá giống và tốc độ dòng chảy
- Vật liệu nổi: Phao nhựa như thùng phuy, can nhựa, phao kim loại, xốp, tre, ống nhựa, ống kim loại.
- Neo: Dùng cột đóng cố định, đá hoặc bê tông, neo sắt. Neo cũng cần có tính linh hoạt để dễ dàng di chuyển lồng bè nuôi đến vị trí thuận lợi hơn khi cần thiết.
- Kích thước: Hình dáng lồng có thể hình vuông hoặc chữ nhật, hình tròn, lục lăng... Tuy nhiên hình vuông và hình chữ nhật là phổ biến hơn cả và dễ lắp ghép tạo thành bè. Kích thước lồng tuỳ theo diện tích và độ sâu vùng nước, vật liệu làm lồng, khả năng đầu tư. Phổ biến hiện nay là kích thước 3x3x3 m hoặc 4x3x2 m.
b. Chọn vị trí đặt lồng nuôi
- Vùng nuôi trong hồ có mặt thoáng lớn, nước trong hồ luôn dao động. Nơi đặt lồng dòng nước không chảy quẩn. Lưu tốc nước lúc cao nhất không quá 1m/s. Độ sâu khi mức nước xuống thấp nhất cũng đảm bảo đáy lồng cách đáy hồ ít nhất 2m để cá nuôi không bị ảnh hưởng bởi các chất lắng đọng.
- Chất lượng nước tốt, hàm lượng O2 hòa tan trong nước ít nhất 0,4mg/L, không bị ảnh hưởng nước thải.
- Đáy lồng được neo cố định các góc để định hình lồng, không cản trở giao thông trong hồ (các vùng cửa sông, suối chảy vào hồ).
2. Chọn giống và kỹ thuật thả
Đối tượng | Kích cỡ (cm/con) | Mật độ (con/m3) |
Cá Chép | 8 - 10 | 100 – 120 |
Cá Trắm cỏ | 15 – 20 | 20 – 30 |
Cá lóc | 5 – 8 | 20 - 30 |
Cá Tầm | >15 | 15 |
Cá diêu hồng/rô phi | 6-8 | 100 |
Cá Lăng | >10 | 10 |
- Tiêu chuẩn giống: Cá giống có kích thước đồng đều để không cạnh tranh thức ăn với nhau. Cá khỏe, phản xạ nhanh, màu sắc bóng bẩy, ít dị hình.
- Kích cỡ cá: Tuỳ theo loài, tốc độ sinh trưởng và chu kỳ nuôi.
- Mật độ: Thả cá tùy theo cỡ giống, đặc điểm loài (cụ thể theo bảng.
- Mùa vụ nuôi: Thường bắt đầu tháng 2 đến tháng 3.
- Thả cá: Cần kiểm tra các khâu: môi trường, lồng nuôi, chất lượng cá, nên tắm khử trùng giống bằng nước muối 2-3% phòng bệnh trong vòng 5 - 10 phút trước khi thả cá, chọn thời điểm thả vào sáng sớm hoặc chiều mát, không nên thả lúc nắng nóng hoặc mưa to.
3.Kỹ thuật chăm sóc và quản lý
a. Cho ăn: Tuỳ theo loài cá nuôi mà sử dụng thức ăn thích hợp. Đối với thức ăn công nghiệp thì hàm lượng các chất dinh dưỡng hầu hết được cung cấp đầy đủ phù hợp với từng giai đoạn nuôi. Đối với thức ăn tự chế biến người nuôi cần bổ sung thêm khoáng và vitamin C để đảm bảo đủ dinh dưỡng.
- Khẩu phần ăn: Cá càng lớn hàm lượng đạm trong thức ăn càng giảm. Định lượng thức ăn hàng ngày: khi cá nhỏ khẩu phần thức ăn chiếm khoảng 5 – 7% trọng lượng thân. Khi cá lớn khẩu phần thức ăn chiếm khoảng 3 – 5% trọng lượng thân.
- Thời gian cho ăn: Giai đoạn nhỏ cho ăn 3-4 lần/ngày, cá lớn 2 lần/ngày.
b. Quản lý
- Theo dõi hoạt động của cá hàng ngày, khi cá nổi đầu do thiếu oxy cần chuyển lồng nuôi đến vị trí khác có chất lượng nước tốt hơn, hoặc sử dụng máy quạt nước tạo dòng chảy và cung cấp oxy.
- Đầu dòng chảy định kỳ 1 tháng/lần treo túi vôi có đục lỗ để sát khuẩn cho lồng cá.
- Treo các viên nén sủi sát khuẩn: TCCA, Chlorine ...ở dưới đáy lồng theo hướng dẫn nhà sản xuất.
- Cá bỏ ăn có thể do bệnh hoặc do môi trường thay đổi, giảm hoặc ngừng cho ăn và phòng trị bệnh cho cá.
- Chất thải và thức ăn thừa tích tụ dưới đáy làm giảm oxy: nuôi ghép cá ăn tạp (rô phi), cho ăn đủ lượng, vớt thức ăn thừa.
- Kiểm tra lồng và vệ sinh sạch các sinh vật bám, nếu là lồng lưới thì nên định kỳ thay lưới để hạn chế được mầm bệnh bám trên các lưới lồng.
Thường xuyên kiểm tra lồng nuôi để phát hiện và phòng trừ dịch bệnh kịp thời./.
Kim Thành