• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

MƯỜNG TÈ: TRỒNG MÍA MANG LẠI HIỆU QUẢ KINH TẾ CAO CHO NGƯỜI DÂN VÙNG TÁI ĐỊNH CƯ

Trong những năm qua, để phục vụ cho các công trình thủy điện của đất nước, người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện di dân đến vùng đất mới. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương luôn có những hỗ trợ kịp thời cho người dân trong việc phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Đặc biệt là việc xây dựng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân

Từ tháng 4/2016-2/2017, Trạm Khuyến nông huyện Mường Tè triển khai mô hình thâm canh cây mía, quy mô 01 ha với 20 hộ nông dân tại bản Nậm Củm, xã Mường Tè, huyện Mường Tè tham gia. Người dân được hỗ trợ 100% giống mía, vật tư phân bón để xây dựng mô hình, tập huấn kỹ thuật và công tác khuyến nông.

Ngay từ những ngày đầu triển khai, Trạm đã cử cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn, hướng dẫn người dân cách làm đất để triển khai trồng đảm bảo thời vụ. Các hộ tham gia mô hình được trao đổi, hướng dẫn và thực hành ngoài đồng ruộng các kỹ thuật ra hom giống, cách trồng, bón phân, chăm sóc...nên nắm được cơ bản các kỹ thuật trong thâm canh cây mía. Sau hơn 10 tháng triển khai, mô hình đã thu được kết quả tích cực: cây mía sinh trưởng và phát triển khá tốt, kiểm soát được sâu bệnh hại; chiều cao cây 2,5 - 2,6m; đường kính thân 3 cm; mật độ đạt 3,5 vạn cây/ha; năng suất đạt bình quân 62 tấn/ha. Với giá bán 5.000đ/cây, sau khi trừ các khoản chi phí về giống và vật tư phân bón, người dân thu được 31 triệu đồng/ha.

Do nhu cầu mía ăn tươi và mía ép tại huyện Mường Tè rất lớn nên sản phẩm mía của mô hình thu hoạch đến đâu, thương lái đến thu mua tận vườn đến đó.

Trao đổi với chúng tôi, anh Lý Văn Sâm, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Mường Tè cho biết: " Thời gian đầu triển khai mô hình còn gặp nhiều khó khăn do thời tiết đầu vụ khô hạn, người dân chưa thực hiện trồng thâm canh mía bao giờ. Tuy nhiên với sự vào cuộc của Trạm Khuyến nông cùng chính quyền địa phương, cán bộ kỹ thuật sát sao trong việc hướng dẫn, chỉ đạo cùng với sự nhiệt tình của người dân nên mô hình đã đạt kết quả tốt. Người dân được chuyển giao các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, thâm canh cây mía, từ đó có thể tự duy trì, mở rộng diện tích trong những năm tiếp theo, góp phần phát triển kinh tế của gia đình".

Đến bản Nậm Củm, xã Mường Tè tại thời điểm này, mía trong mô hình đã được thu hoạch và bán hết, người dân đang tiếp tục chăm sóc mía gốc để đón vụ mía năm thứ 2 với một niềm tin vào hiệu quả kinh tế mà mô hình mang lại. Có thể cho thấy, trồng thâm canh mía là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân bản tái định cư Nậm Củm xã Mường Tè. Thông qua mô hình giúp người nông dân hướng phát triển các cây trồng mang lại thu nhập và hiệu quả kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống cho người nông dân vùng tái định cư./.

Đình Chinh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...