A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sở Nông nghiệp và PTNT Lai Châu phối hợp tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề “Giải pháp phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái”

Sáng 07/7/2023, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lai Châu tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái”. Tham dự diễn đàn có trên 150 đại biểu tham dự: Đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang; Đại diện các Công ty, Doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp trong và ngoài tỉnh; Các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương.

Các đại biểu tham dự diễn đàn

Phát biểu khai mạc diễn đàn Ông Nguyễn Trọng Lịch - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lai Châu phát biểu khai mạc diễn đàn nhấn mạnh: Với sự đa dạng về tài nguyên rừng, địa hình, khí hậu, văn hóa...các tỉnh trung du miền múi phía bắc có nhiều tiềm năng to lớn để phát triển dược liệu trong đó có dược liệu dưới tán rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái. Vì vậy, để đánh thức tiềm năng to lớn của vùng trong phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái, trong thời gian tới cần có sự chung tay, vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, học giả, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhân dân cùng nghiên cứu, thảo luận, định hướng các giải pháp phát triển, bền vững dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái vùng trung du miền núi phía bắc nói riêng và cả nước nói chung.

Báo cáo đề dẫn tại diễn đàn nêu, Việt Nam nằm ở cầu nối giữa hai quần thể động vật và thực vật khác nhau của châu Á và châu Úc. Địa hình có sự chuyển tiếp giữa các độ cao và vĩ độ địa lý khác nhau, đã tạo nên nhiều tiểu vùng khí hậu với các hệ sinh thái đặc trưng, nguồn tài nguyên động thực vật phong phú và đa dạng, là nơi sinh trưởng và phát triển của nhiều loài cây dược liệu đặc hữu, quý hiếm đặc biệt là cây sâm. Trong số các loài thực vật bậc cao đã được biết ở Việt Nam, có 5.117 loài được sử dụng làm thuốc, trong đó nhiều loài cây dược liệu quý, hiếm có giá trị kinh tế cao hiện sinh sống trong các hệ sinh thái rừng tự nhiên. Đến nay, cả nước có khoảng 14,79 triệu ha đất có rừng, trong đó, rừng tự nhiên là 10,1 triệu ha, chiếm gần 70% diện tích rừng của cả nước. Nhiều địa phương đã và đang phát triển dược liệu trong môi trường rừng. Bên cạnh những tiềm năng lớn về dược liệu thì hiện nay vẫn còn một số khó khăn, thách thức đối với phát triển cây dược liệu, chủ yếu: Quy hoạch vùng trồng phát triển dược liệu; quản lý về bảo tồn phát triển các loài dược liệu; thị trường tiêu thụ hẹp và chuyên biệt; thiếu nguồn giống tốt, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến; cơ chế, chính sách...

Tại Diễn đàn, các đại biểu phân tích những khó khăn, thuận lợi trong công tác phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị. Trao đổi, thảo luận về cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương về: Cơ chế chính sách về phát triển dược liệu gắn với du lịch; Khoa học công nghệ về giống, kỹ thuật trồng, chế biến, liên kết tiêu thụ sản phẩm dược liệu; Phát huy giá trị dược liệu qua các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái…

Diễn đàn đã đề ra những giải pháp phát triển dược liệu: Có sự nghiên cứu, đề xuất và ban hành các chính sách đặc thù, phù hợp với thực tiễn của địa phương; nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai, nguồn vốn, tiếp cận tín dụng; các chính sách khuyến khích sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động xúc tiến thương mại, quản bá thương hiệu sản phẩm. Xác định có trọng tâm quy hoạch các vùng trọng điểm phát triển kinh tế dưới tán rừng, trong đó, ưu tiên phát triển trồng cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ, nuôi ong kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Nâng cao chất lượng, diện tích rừng, làm tiền đề để phát triển kinh tế dưới tán rừng một cách bền vững;  Khuyến khích thực hiện liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp với người nông dân; Bố trí, đảm bảo các nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong chọn tạo giống, sản xuất giống và trồng, chăm sóc các loài cây dược liệu.

Diễn đàn giới thiệu gian hàng các sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp, HTX, hiệp hội tỉnh Lai Châu và một số tỉnh bạn.

Các đại biểu tham quan các quầy giới thiệu sản phẩm Ocop

          Trước đó, chiều ngày 6/7/2023, các đại biểu đã đi tham quan mô hình Sâm của HTX bảo tồn và phát triển sâm núi Lai Châu, xã Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

 


Tác giả: Thanh Trúc
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan