Phải làm gì trong cuộc chiến chống những quan điểm sai trái, thù địch?
“Chống những quan điểm sai trái, thù địch” đang trở thành nhiệm vụ rất lớn và cấp thiết. Để có được sự thành công như mong đợi, cần phải huy động trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng vào cuộc chứ không chỉ là việc của Bộ, Ban, Ngành nào. Thống nhất quan điểm như vậy sẽ gắn động cơ hành động với mọi người, mọi cấp trong việc cảnh giác, tự giác và cương quyết thực hiện đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch trong bất cứ hoàn cảnh nào. Bởi lẽ, các thế lực thù địch vẫn đang trong tâm thế “nghe ngóng, rình rập, chớp thời cơ” để tìm mọi cách chống phá cách mạng Việt Nam ngày càng quyết liệt và xảo quyệt hơn. Vậy, chúng ta cần phải làm gì?
Kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn
Chúng ta đã có nền tảng lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường nhưng cũng cần hiểu rõ rằng: “Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi”[1]. “Cây đời” chính là thực tiễn đời sống muôn màu, muôn sắc. Lý luận tổng kết thực tiễn đời sống thành lý thuyết. Rồi lý thuyết lại điều chỉnh, uốn nắn thực tiễn cho hoàn thiện hơn, đúng đắn hơn.Sự kết hợp linh hoạt giữa lý thuyết và thực tiễn luôn tạo nên sự vận động biện chứng, hướng đến sự phát triển bền vững.
Do vậy, chúng ta phải rà soát và hệ thống lại thực tiễn trên nhiều phương diện: từ công tác tổ chức, cán bộ đến công tác xây dựng Đảng; từ “tấm gương” của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đến các chi bộ cơ sở, cơ quan ban, ngành tỉnh, thành và cả ở Trung ương. Làm sao để thật sự đạt được “Đảng ta là đạo đức là văn minh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong đợi và chỉ khi cán bộ ta, đảng viên ta thực sự trở thành những tấm gương sáng, những người thật sự tốt đẹp, tử tế, thì chẳng thế lực nào chống phá được - có muốn xuyên tạc, bôi nhọ, cũng không thể bôi nhọ xuyên tạc được. Vì thế, việc làm “khuất tất” của một số cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian qua đã tạo cơ sở để các thế lực thù địch lợi dụng, khai thác một cách tối đa để thực hiện các “chiêu thức chống phá” của chúng. Lợi dụng những sơ hở này, các thế lực thù địch sử dụng thủ đoạn là “nói đúng sự thật, phơi bày sự thật” được lặp đi, lặp lại nhiều lần, gây tác động không nhỏ trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Sự nguy hại của lối chống phá này ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của nhân dân, vì nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi ông dẫn câu nói của dân: “Chân mình còn lấm bê bê - Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”. Hạn chế những sơ hở như đã phân tích chính là một nội dung rất trọng yếu trong chiến lược đấu tranh với các thế lực thù địch mà chúng ta đang hướng đến.
Xác định và phân định rõ đối tượng
Chúng ta cần xác định rõ đối tượng mà chúng ta hướng đến và xem đây là mục tiêu thường xuyên trong thực thi nhiệm vụ.
Vậy, đối tượng của chúng ta có phải là những kẻ chống đối chúng ta không? Thực chất, chúng ta đã và đang đấu tranh, phản bác chống lại với các thế lực, trực tiếp là kẻ thù, đối thủ của chúng ta. Lực lượng này rất ngoan cố, nhiều thủ đoạn nên không dễ dàng “thuyết phục” hoặc mong muốn thay đổi lập trường của chúng. Vì thế phải khẳng định rằng chúng chính là kẻ thù chứ không phải đối tượng.
Đối tượng của chúng ta chính là Nhân Dân, những người đang dõi theo chúng ta hàng giờ, hàng ngày. Người mà chúng ta cần phải thuyết phục chính là Nhân Dân. Nếu dân tin chúng ta, dân sẽ bảo vệ chúng ta - như từng bảo vệ chúng ta trong những tháng năm gian khổ, nguy hiểm và nguy nan nhất của lịch sử đất nước. Dân tin chúng ta, bảo vệ chúng ta thì mọi âm mưu của những kẻ chống phá chúng ta sẽ thành vô nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy rất sớm đối tượng đặc biệt này. Vì thế ngay từ khi mới thành lập Nước, Người đã đặt tên chính quyền của ta là chính quyền Nhân Dân, Ủy ban Nhân dân; tờ báo của Đảng - ngôn luận của Đảng là báo Nhân Dân, rồi đến Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, đến cả các thầy cô giáo cũng là Người giáo viên Nhân dân. Bởi vậy, Người rất tâm đắc với câu nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các anh hùng và chiến sĩ thi đua
nông nghiệp (27/5/1957). Ảnh: Internet.
Chú trọng việc biểu dương cái tốt, hướng đến cái đẹp
Việc đề cao cái tốt, biểu dương cái tốt theo hướng “lấy cái đẹp để dẹp cái xấu” là nội dung quan trọng để tạo động lực, động cơ hướng thiện của mỗi con người trong môi trường văn hóa. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến người tốt việc tốt. Người nói: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Từ một em bé đến các cụ già, ai làm được việc tốt, Người đều tổ chức gặp gỡ, hỏi thăm, tặng huy hiệu của Người, rồi tặng quà, mua bằng đồng lương của Người chứ không lấy ngân sách Nhà nước. Chúng ta có quyền tự hào rằng, trong môi trường văn hóa hiện nay vẫn luôn xuất hiện nhiều tấm gương sáng ngời về sự hy sinh, tình yêu thương, chia sẻ để cùng vươn đến những giá trị mới. Câu chuyện 124 hộ dân ở xã Thạch Châu (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) tình nguyện hiến trên 4.500 m2 đất để mở đường làng, ngõ xóm góp sức vào xây dựng quê hương, cùng toàn xã về đích nông thôn mới là một ví dụ sinh động. Và rất nhiều những hình ảnh tương tự như vậy xuất hiện đã tạo nên chất xúc tác mới trong sự vận động của môi trường văn hóa mới. Những cái tốt, cái đẹp đó phải được xuất hiện thường xuyên trên nhiều cách tiếp cận để cộng đồng xã hội cảm nhận, học tập và thay đổi.
Vậy nên, để cái đẹp, cái tốt nảy sinh, tạo mầm trong đời sống văn hóa cộng đồng thì cần phải nghiêm khắc loại bỏ những thói hư tật xấu, bạo lực đã và đang xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng với các hiện tượng “Thanh niên, người lớn thì mải mê chạy theo những "mối tình ảo" cùng "người ảo" trên mạng mà quên ăn, quên ngủ, quên cả trách nhiệm với gia đình, xã hội. Và những đường dây mại dâm online dưới nhiều hình thức trá hình đã ra đời và tồn tại từ internet. Bên cạnh đó, còn phải kể tới sự ra đời và hoành hành của vô số trang mạng chỉ dành cho cờ bạc và các "web sex","web đen" tha hồ tận dụng lợi thế siêu liên kết của công nghệ số để đầu độc nhận thức, lối sống của một bộ phận công chúng…”[2]. Đó là nguyên nhân dẫn đến “đánh mất mình, thiếu chủ động trong giao tiếp, làm lỏng lẻo các mối quan hệ và đem đến nhiều nguy cơ làm xô lệch nhiều nền tảng văn hóa trong xã hội”[3]. Vì thế, phạm trù mỹ học của Dostyevsky “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” cần được vận dụng một cách hài hòa hơn trong môi trường sống của chúng ta hôm nay.
Con người luôn luôn phải tiếp tục hành trình tìm cái đẹp cho mình, quan niệm về cái đẹp không phải là bất biến, nó vẫn luôn thay đổi từng khắc, từng ngày theo những tiêu chí khác nhau của lịch sử, dân tộc và sở thích cá nhân. Để lấy lại được cái tâm trong sạch không vướng bận thứ gì thì con người phải thanh lọc tâm hồn, loại bỏ cái xấu, cái ác, thoát khỏi ham muốn, dục vọng tầm thường và trong tâm lúc nào cũng phải giữ cái đẹp, cái thiện cho chính mình để hướng đến môi trường văn hóa hiện đại, văn minh. Cái đẹp, cái tốt lên ngôi, thì cái ác không còn đất nương náu. Biểu dương cái tốt, cái đẹp, bảo vệ cái tốt, cái đẹp cũng là phương thức trọng tâm để "Gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống", xây là cơ bản, chống phải quyết liệt hiệu quả" là một quan điểm chỉ đạo quan trọng được nêu trong Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khoá XII Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.