A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp thứ 05 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp thứ 05 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

 

 

Sáng ngày 19/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã chủ trì họp Phiên thứ năm của Ban Chỉ đạo.

Cùng tham dự tại trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh trà- Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo cách hành chính của Chính phủ. Phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ được triển khai trực tuyến tới 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố.

Các điểm cầu dự phiên họp

Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Lương chủ trì phiên họp. Cùng tham dự phiên họp có các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo Công an tỉnh, Cục thuế tỉnh, Chi cục hải quan cửa khẩu Ma Lù Thàng. Phóng viên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh dự đưa tin. Phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ được trực tuyến xuống UBND các huyện, thành phố tỉnh Lai Châu.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Lương cùng các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lai Châu

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, 6 tháng đầu năm, công tác cải cách hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những đổi mới, quyết liệt, sát sao, cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành 178 văn bản, các địa phương đã ban hành 2054 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách hành chính trên từng lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Công tác cải cách hành chính đã đạt được những kết quả, cụ thể:

Đối với cải cách thể thế: Các Bộ, cơ quan đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông 11 Luật, Nghị quyết. Các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền hơn 160 thông tư và tham mưu, trình Chính phủ ban hành 44 nghị định, HĐND và UBND cấp tỉnh đã ban hành khoảng 1600 văn bản QPPL để điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế - xã hội mới phát sinh, trong số đó, có nhiều vă bản liên quan đến cải cách hành chính.

Về cải cách thủ tục hành chính: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 02 Quyết định phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 47 quy định kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công an tại 10 văn bản QPPL; các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành 16 văn bản QPPL để cắt giảm, đơn giản hóa 163 quy định kinh doanh, đã sửa đổi, hoàn thiện 02 văn bản QPPL để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa 74 quy định kinh doanh. 06 tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành 01 văn bản QPPL để thực thi phương án phân cấp 05 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Công tác số hóa hồ sơ đã đạt được những kết quả tích cực, đến nay đã có 31,16% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 66,48% hồ sơ TTHC được số hóa. Đã có 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành đã thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

  Về tổ chức bộ máy: Bộ Nội vụ đang tham mưu xây dựng Đề án “Đổi mới cơ chế quản lý tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập” (trong đó đặc biệt lưu ý phương án sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế và giáo dục); Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định quy định về tinh giản biên chế, theo đó đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện đẩy mạnh tinh giản biên chế một cách hieệu quả trong thời gian tới; có 04/20 bộ ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành và 05/15 bộ ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành. Chính phủ đã tham mưu trình UBTVQH dự thảo Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; trình UBTVQH ban hành 10 nghị quyết về thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới hành chính của một số địa phương; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 557 về việc rà soát, hoàn thiện các quy định về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Cải cách chế độ công vụ được đẩy mạnh, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL liên quan đến quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Bộ Nội vụ đang tích cực hoàn thiện để đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo đồng bộ, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội, dân cư…Tiếp tục triển khai Đề án “Bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công ghức, viên chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài giai đoạn 2022-2025”. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Về tài chính công: Thể chế về quản lý tài chính – ngân sách nhà nước tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo thực hiện qua đó từng bước hoàn thiện theo hướng đồng bộ, toàn diện, góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính- ngân sách và nâng cao hiệu quả phân phối, sử dụng hợp lý các nguồn lực tài chính. 06 tháng đầu năm, Chính phủ trình Quốc hội thông qua 01 dự án Luật, 02 nghị quyết; Chính phủ ban hành 10 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 quyết định; Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền 39 thông tư trong lĩnh vực quản lý tài chính-ngân sách nhà nước.

Công tác xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đạt kết quả tích cực. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với 23 bộ, ngành và 60 địa phương; kết nối Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến với 41 địa phương. Đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 đơn vị bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương để khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý và giải quyết TTHC  cho người dân, tổ chức; toàn quốc đã có 11 địa phương triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới lề lối, thay đổi phương thức làm việc của các cơ quan nhà nước. Các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, thúc đẩy thực hiện: Trong 06 tháng đầu năm, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có hơn 3,6  triệu tài khoản đăng ký, hơn 55,98 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, hơn 7,88 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích…Tính đến nay, đã có 32,05% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 67,32% hồ sơ TTHC được số hóa; hoàn thành tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: Cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ; TTHC trên một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, quy định chồng chéo, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến quản lý đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, y tế, giáo dục, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu….Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn chậm, nhất là việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng kết quả số hóa để người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần. Việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết TTHC còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, có nơi, có lúc gây phiền hà cho người dân. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: đất đai, xây dựng…

Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức đặt ra trong công tác CCHC; phân tích, đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm và chỉ rõ những nội dung mới, cấp bách mà các bộ, ngành, địa phương phải triển khai thực hiện trong thời gian tới; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp cần thiết để đẩy mạnh CCHC trong 06 tháng cuối năm 2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu bế mạc phiên họp

Phát biểu bế mạc phiên họp, Thủ tướng chính phủ đề nghị các cơ quan trung ương, địa phương cần quyết tâm cao hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để thực hiện tốt hơn công tác cải cách hành chính. Tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính. Tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các giải pháp CCHC có trọng tâm, trọng điểm, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; rà soát lại các văn bản pháp luật và TTHC ở các cấp, trong đó tập trung những thủ tục liên quan còn nhiều vướng mắc ở các lĩnh vực đất đai, nhà ở, tiếp cận tín dụng, thuế... để kịp thời tháo gỡ…./.


Tác giả: Như Hoa
Nguồn:https://cchc.laichau.gov.vn/Article/?cate=tin-tuc&pid=thu-tuong-chinh-phu-chu-tri-phien-hop-thu-05-cua-ban-chi-dao-cai-cach-hanh-chinh-cua-chinh-phu-65936 Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan