A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lợi ích kép từ việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2019

 

 

 

Tổng số tiền đã chi trả cho người nhận khoán, bảo vệ rừng năm 2019 là 512 tỷ đồng giúp người dân yên tâm gắn bó với công tác bảo vệ rừng và ổn định cuộc sống.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền DVMTR năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chuyên môn phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh hỗ trợ UBND cấp xã hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để chi trả tiền DVMTR cho người dân tham gia nhận khoán, bảo vệ rừng với số tiền chi trả hơn 512 tỷ đồng cho 78.461 hộ dân với mức bình quân đạt hơn 6,5 triệu đồng/hộ. Số tiền trên đã kịp thời giúp người dân tham gia nhận khoán, bảo vệ rừng giải quyết các khó khăn và ổn định cuộc sống.

Năm 2019, xã Mù Sang - huyện Phong Thổ hợp đồng bảo vệ rừng với 11 cộng đồng dân cư, diện tích 859 ha. Để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, cộng đồng dân cư nhận hợp đồng bảo vệ rừng trong xã thường xuyên đi kiểm tra, tuần tra nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn những trường hợp vi phạm, làm tổn hại đến rừng. Đặc biệt khi vào mùa khô, các tổ chuyên trách bảo vệ rừng của các bản hoạt động tích cực và đi kiểm tra rừng nhiều hơn với quyết tâm không để tình trạng cháy rừng xảy ra. Đồng chí Lừu A Sài - Chủ tịch UBND xã Mù Sang cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã có 661 hộ gia đình tham gia nhận hợp đồng bảo vệ rừng. Thời gian qua bà con trong xã gặp khó khăn về kinh tế do dịch bệnh Covid-19 và mưa đá; nhờ vào sự chi trả kịp thời, đúng lúc tiền dịch vụ môi trường rừng là  1.245 triệu đồng giúp bà con có tiền để mua cây, con giống phát triển sản xuất và sửa chữa nhà cửa và trang trải cuộc sống. Đây chính là động lực để nhân dân trong xã nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng”.

Với diện tích hơn 28.023 ha rừng được chi trả tiền DVMTR, những năm qua người dân xã Tà Tổng - huyện Mường Tè tích cực chăm sóc bảo vệ, giữ gìn cho rừng thêm xanh. Chính sách chi trả DVMTR đã giúp bà con nhân dân trong xã gắn bó và có trách nhiệm với rừng hơn. Vì thế, mấy năm gần đây trên địa bàn xã không xảy ra cháy rừng, vụ vi phạm về bảo vệ rừng. Đến bản Nậm Dính chúng tôi thực sự ấn tượng khi được tận mắt trông thấy những cánh rừng với một màu xanh ngút ngàn. Anh Sùng Cha Páo - bản Nậm Dính, xã Tà Tổng chia sẻ: “Trước kia, khi chưa có DVMTR, kinh tế gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi có chính sách chi trả DVMTR, thu nhập của gia đình được nâng cao. Riêng năm 2019 gia đình tôi nhận được 27 triệu đồng từ DVMTR, tôi rất phấn khởi vì có thể sống dựa vào rừng”. Được biết, trên địa bàn xã năm 2019 có 1.160 hộ tham gia nhận bảo vệ rừng có đến 565 hộ nghèo (chiếm 48,7%) trung bình mỗi hộ tham gia bảo vệ rừng nhận được 28 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng đây là nguồn thu nhập chính của các hộ để trang trải cuộc sống, phát triển sản xuất hậu dịch bệnh Covid 19.

 Có thể thấy với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện chi trả tiền DVMTR năm 2019 vào đúng thời điểm kinh tế khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và diễn biến thời tiết cực đoan tại một số địa phương đã làm phát huy hiệu quả kép trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu./.

          Năm 2019, trên địa bàn tỉnh Lai Châu thực hiện thu đối với 02 đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng là các nhà máy thủy điện và các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch. Với 18 nhà máy thủy điện và 7 cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, tổng số tiền DVMTR thu được là hơn 609 tỷ đồng, góp phần bảo vệ hiệu quả cho hơn 429.148 ha diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn toàn tỉnh.

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...