A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Biện pháp chống rét cho đàn ong nuôi qua mùa Đông

Trong những năm gần đây nghề nuôi ong lấy mật tại Lai Châu đã có sự phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Tuy nhiên, vào mùa Đông đặc biệt tháng Giêng, tháng Hai (dương lịch) trời rét đậm, rét hại làm cho nhiều đàn ong sa sút, thậm chí có nhiều đàn chết ngay trong tổ. Do vậy, để chủ động bảo toàn đàn, đảm bảo năng suất, chất lượng mật thu hoạch qua mùa Đông bà con cần phải chuẩn bị tốt các biện pháp chống rét từ tháng 11 năm trước. Cụ thể:

1. Chống rét bên trong đàn ong: Quân luôn luôn phải đông, phủ kín các cầu; các đàn ong yếu thế, thế đàn < 2 cầu, thưa quân phải nhập lại với nhau.

Luôn đủ thức ăn dự trữ (có phấn dự trữ và luôn có mật vít nắp). Để đảm bảo đàn ong luôn có mật vít nắp trước khi kết thúc vụ mật đông, người nuôi không quay vòng mật cuối, sớm ổn định đàn ong.

Cho ong ăn bổ sung trước khi hết mật tự nhiên. Cần bổ sung thêm thức ăn cho đàn ong ngày trước và sau các đợt rét kéo dài, không cho ong ăn những ngày rét đậm.

Nuôi ong trong thùng ghép: Tức là trong một thùng nuôi 2 đàn, mỗi đàn có cửa tổ quay về một hướng, ở giữa có vách ngăn ong thợ của hai đàn không qua lại nhưng sẽ hỗ trợ để các đàn ong giữ nhiệt tốt hơn.

2. Chống rét bên ngoài đàn ong: Trước hết, cửa tổ đàn ong tránh hướng gió lùa; khoảng trống trong đàn cần lấp đầy bằng các tấm xốp được bọc nilon để ong không cắn tấm xốp hoặc bằng các gối (khâu bằng bao dứa trong nhồi rơm rạ, lá chuối phơi khô); trên mặt cầu cần phủ giấy báo (4 - 5 lượt); mặt ngoài thùng dùng rơm, rạ, cỏ tranh khô, kết lại thành các tấm tranh, phủ kín thùng ong bốn phía trên và dưới.

Lưu ý: Cần cho đàn ong ăn đủ no xong mới tiến hành chống rét. Khi chống rét xong không nên mở cửa tổ ra xem ong. Tuyệt đối, không mở cửa đàn ong những ngày nhiệt độ xuống thấp.


Tác giả: Chi Cục QLCL NLS&TS
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan