A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, từng bước nâng cao chất lượng góp phần khẳng định sản phẩm OCOP tỉnh Lai Châu

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Sau gần 4 năm thực hiện trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, song Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh và các Sở, Ban, Ngành và với quyết tâm chính trị cao của cấp ủy chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng tình, hưởng ứng của người dân. Với việc phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, cộng với những chính sách, chương trình, đề án về phát triển kinh tế xã hội được tỉnh, các huyện ban hành, tổ chức thực hiện trong thời gian qua đã và đang phát huy hiệu quả góp phần vào thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị hàng hóa làm tăng thu nhập và góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần ở nông thôn. Chương trình đã tạo ra một sân chơi bình đẳng, minh bạch, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất, khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng, khai thác, duy trì và phát huy được những giá trị tiềm năng của các nghề, làng nghề, đặc sản vùng miền, sản phẩm truyền thống; tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.

Sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP của huyện Than Uyên

Đến nay, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn toàn tỉnh (từ năm 2020 - nay) đã tổ chức đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 171  sản phẩm được công nhận đạt hạng OCOP 3 sao trở lên của 74 chủ thể, gồm: 2 sản phẩm đạt 4 sao, 6 sản phẩm đạt tiềm năng 4 sao; 163 sản phẩm đạt 3 sao. Qua đó, đã góp phần từng bước hiện đại hóa nền nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Các sản phẩm sau khi chứng nhận và các sản phẩm tiềm năng được các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn hoàn thiện các tiêu chí của Chương trình; hỗ trợ thúc đẩy công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng các chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng nhà kho nhà xưởng, trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, bảo hộ nhãn hiệu, xây dựng mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc điện tử (Qrcod) … duy trì được sản lượng, chất lượng sản phẩm, nhiều cơ sở đã đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng mẫu mã bao bì phù hợp với quy định và thị hiếu của thị trường, quan tâm chú trọng đến công tác quảng bá thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP lên một tầm cao mới vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh trong cả nước.

Các chủ thể có sản phẩm OCOP được hỗ trợ tham gia giới thiệu, quảng bá, kết nối, tiêu thụ tại các hội nghị, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình OCOP thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập nên chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh trong phát triển sản phẩm OCOP như: Một số sản phẩm OCOP do sản xuất chủ yếu là thủ công, máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất còn hạn chế, chưa quan tâm đến kiểu dáng, bao bì đóng gói. Đặc biệt là thương hiệu chưa lớn mạnh nổi bật nên sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp, giá thành cao. Một số địa phương còn lúng túng trong cách làm, cách xác định lợi thế, tiềm năng, mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm nhiều đến phát triển các sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu và lao động địa phương. Các cơ chế, chính sách tuy đã được ban hành song nguồn lực triển khai Chương trình còn hạn chế, chủ yếu là lồng ghép dẫn đến những khó khăn trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó các chủ thể khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng; Công tác tuyên truyền về chương trình OCOP tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế, vẫn còn nhiều người tiêu dùng chưa biết đến sản phẩm OCOP.

Thực tiễn cho thấy  để sản phẩm OCOP tồn tại và phát triển cần phải đảm bảo các yếu tố: Chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm; phát triển các điểm bán hàng và quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP, tạo hệ thống phân phối hiệu quả, giá cả phải cạnh tranh đối với các sản phẩm tương đồng trên thị trường, Bên cạnh đó yếu tố thương hiệu, chỉ dẫn địa lý tạo ra sản phẩm đặc trưng, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh là then chốt...

Sản phẩm thuốc chữa bệnh gan A Súa đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và mẫu mã bao bì nhằm ổn định thị trường, tiếp cận khách hàng trong và ngoài tỉnh

Thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, hướng tới việc chuẩn hóa, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị. Đến nay, Lai Châu có nhiều sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng, một số sản phẩm được sản xuất theo chuỗi giá trị, một số sản phẩm đã ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm đặc sản, truyền thống của Lai Châu như: nhóm sản phẩm Đông trùng hạ thảo, Mắc ca sấy, thịt trâu, thịt lợn gác bếp và nhóm sản phẩm dược liệu đặc trưng…; tính đến hết tháng 9 năm 2023, tỉnh Lai Châu đã hỗ trợ gần 5 tỷ  đồng cho 111 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP của 62 chủ thể thực hiện hoàn thiện hồ sơ sản phẩm, thiết kế, in mẫu mã bao bì sản phẩm, thưởng đạt sao OCOP, xây dựng điểm bán sản phẩm OCOP; tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình OCOP cho 71 tập thể, cá nhân; hỗ trợ gần 700 triệu đồng cho các chủ thể tham gia giới thiệu, quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các hội nghị, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ cho các chủ thể thực hiện đăng ký, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc (mã số mã vạch, mã Qrcod …), đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, thiết kế nhãn hiệu, bao bì, in ấn tem nhãn sản phẩm.

Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra công tác duy trì và phát triển các sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP giai đoạn 2020 - 2022 của UBND các huyện, thành phố nhận thấy công tác quản lý, duy trì và phát triển các sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP của UBND các huyện thành phố hàng năm được chú trọng quan tâm triển khai thực hiện, tạo động lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế và làm khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh về những sản phẩm đặc trưng của địa phương, tuy nhiên công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia và thực hiện chu trình của Chương trình OCOP có lúc chưa được thường xuyên, công tác kiểm tra giám sát các sản phẩm sau chứng nhận tại một số huyện chưa được sâu sát. Các chủ thể sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP cơ bản chấp hành tốt các tiêu chí của chương trình, đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, đa dạng mẫu mã bao bì, chú trọng đến công tác quảng bá thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP lên một tầm cao mới vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh trong cả nước, tuy nhiên còn có một số chủ thể còn nhiều lúng túng trong việc quản lý hồ sơ OCOP và các tiêu chí của Chương trình, việc lưu giữ hồ sơ OCOP, các giấy tờ, sổ sách minh chứng hoạt động sản xuất sản phẩm của cơ sở còn chưa đầy đủ; hệ thống máy móc trang thiết bị chưa được sắp xếp một cách khoa học, một số trang thiết bị máy móc chưa được vệ sinh thường xuyên … dẫn đến có nguy cơ lây nhiễm chéo gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm trong quá trình sản xuất; chưa chủ động thực hiện việc gửi mẫu sản phẩm tới cơ quan kiểm nghiệm độc lập để kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm định kỳ; chưa có sổ sách ghi chép minh chứng về hoạt động kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất; chưa thực hiện việc niêm yết, đăng tải hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm tại cơ sở sản xuất và tại cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành theo quy định; một sô thông tin trên tem nhãn sản phẩm ghi chưa đúng, chưa phù hợp, bao bì sản phẩm có mã số mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc điện tử (mã Qrcod) sản phẩm nhưng không thể hiện được thông tin khi truy cập; một số sản phẩm có bao bì, nhãn mác chất lượng thấp, không bắt mắt, chưa tạo ra được sự thu hút đối với người tiêu dùng; một số chủ thể có sản phẩm sau khi được chứng nhận OCOP không mở rộng được quy mô sản xuất, thậm chí đến nay dừng hoạt động sản xuất.

Đoàn kiểm tra liên ngành của các Sở, Ban, Ngành tỉnh kiểm tra việc duy trì và phát triển các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP

Việc xây dựng thương hiệu là một quá trình lâu dài, nhằm tạo lòng tin cho khách hàng và định vị trên thị trường. Khi đã có một thương hiệu đủ lớn mạnh, doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh, phát triển, mở rộng kinh doanh vượt bật so với các đối thủ. Để giúp cho các chủ thể duy trì và phát triển thương hiệu, các cấp, các ngành các địa phương đơn vị cần làm tốt một số nội dung sau đây:

- Nâng cao nhận thức của Nhân dân và các chủ thể tham gia sản phẩm OCOP về vai trò, tầm quan trọng trong việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm OCOP, chất lượng hàng hóa sản phẩm OCOP là chìa khóa trong việc xây dựng thương hiệu, coi thương hiệu là niềm tự hào, tự tôn của quê hương.

- Tổ chức các hoạt động tập huấn kiến thức, kỹ năng về xây dựng, quản trị và phát triển nhãn hiệu, bao bì sản phẩm cho các đối tượng liên quan gắn với học tập kinh nghiệm, khảo sát thực tế về trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các trung tâm thương mại, hệ thống các siêu thị, các chợ truyền thống nhằm giúp các chủ thể OCOP chủ động trong việc nâng cao chất lượng, cải tiến nhãn hiệu, bao bì để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, định hướng xuất khẩu và mở rộng thị trường.

- Đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, nhất là sản phẩm đặc sản, chủ lực của địa phương nhằm tạo lập, bảo tồn và nâng cao giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường; khuyến khích cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm; thường xuyên quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển du lịch; xây dựng các cửa hàng để giới thiệu, trưng bày và kinh doanh các sản phẩm OCOP; chú trọng phát triển sản phẩm OCOP song song với xây dựng nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp áp dụng hệ thống tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, ISO... cho các sản phẩm chương trình OCOP.

- Rà soát cơ chế, chính sách để kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển nhãn hiệu, bao bì sản phẩm của đơn vị; khuyến khích sản xuất, phân phối và tiêu dùng các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường, có thể tái chế, tái sử dụng.

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh, phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nguồn gốc, hàng nhập lậu, hàng giả,... tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho sản phẩm OCOP; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, lao động và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của địa phương./.


Tác giả: Văn phòng điều phối Nông Thôn mới tỉnh Lai Châu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan