A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giữ sinh kế bền vững cho người dân

Thực hiện chính sách giao đất, giao rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), công tác bảo vệ và phát triển rừng ở huyện Nậm Nhùn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Người dân ở khu vực có rừng biết khai thác hợp lý các nguồn lợi từ rừng để cải thiện cuộc sống; tỷ lệ che phủ rừng của huyện tăng lên qua từng năm.

Tính đến nay, huyện Nậm Nhùn có 78,5 nghìn héc-ta rừng, trong đó rừng tự nhiên khoảng 76.000ha, rừng trồng 30ha và trên 2.000ha rừng cây lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng đạt 56,46%. Tỷ lệ che phủ rừng của Nậm Nhùn tăng từ 1-2% và là một trong những địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất trong toàn tỉnh. Trong năm 2023 nguồn chi trả DVMTR rừng của huyện là trên 68 tỷ đồng.
Hiệu quả từ rừng mang lại giúp cấp ủy, chính quyền, Nhân dân huyện Nậm Nhùn xác định rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ, chăm sóc, phát triển rừng trong phát triển kinh tế - xã hội. Coi việc bảo vệ, chăm sóc, phát triển rừng là nền tảng vững chắc để nâng cao tiêu chí thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo, đặc biệt là tại 3 xã biên giới. Từ các chính sách bảo vệ, phát triển rừng và trồng mới diện tích rừng giúp người dân trên địa bàn huyện có thu nhập ổn định hàng năm, nhất là tại các xã, bản khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.
Để giữ rừng, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện và chính quyền các xã giao cho các bản quản lý, bảo vệ rừng hàng năm. Với người dân, cộng đồng đã thành lập các tổ chuyên trách bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng. Với các phòng, ban chuyện môn huyện và các xã, thị trấn, xây dựng các biển tuyên truyền khu vực chi trả DVMTR ở các xã, thị trấn; phát tờ tranh tuyên truyền bảo vệ rừng, PCCCR tới các bản. Cùng với đó, thực hiện chính sách chi trả DVMTR kịp thời và đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, hướng dẫn, định hướng cho người dân sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng hiệu quả.
Có thể thấy tại khu vực được hưởng chính sách chi trả DVMTR đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ rừng, các bộ phận nhận khoán bảo vệ rừng với chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm trong công tác phát triển rừng bền vững, góp phần chống các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép.

Người dân bản Pá Bon (xã Nậm Pì) phát đường băng cản lửa bảo vệ rừng trong mùa khô.

Tìm hiểu thực tế tại xã biên giới Hua Bum - địa phương có diện tích rừng và tỷ lệ che phủ rừng tương đối lớn của huyện Nậm Nhùn (64%), tổng số diện tích đất tự nhiên hơn 26.000ha. Những năm qua, xã đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân trồng mới, chăm sóc, bảo vệ rừng và sử dụng hiệu quả tiền DVMTR. Năm 2023, trung bình mỗi hộ dân trên địa bàn xã được chi trả trên 25 triệu đồng. Số tiền trên đã giúp Nhân dân có nguồn thu nhập lớn, đồng thời giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã.
Ông Đỗ Quang Ngọc - Chủ tịch UBND xã Hua Bum cho biết: “Với số tiền lớn, được chi trả thành hai đợt trong năm nếu bà con sử dụng không đúng mục đích sẽ rất lãng phí. Từ đó, căn cứ vào điều kiện từng bản để xã định hướng sử dụng cho bà con. Như ở bản Nậm Nghẹ, Pa Cheo định hướng cho bà con xây dựng nhà , công trình vệ sinh hay mua giống gia cầm, giống lúa về nuôi để phát triển kinh tế. Bản Chang Chảo Pá, Pa Mu phát triển nuôi thủy sản, nuôi đại gia súc. Từ những lợi ích mà rừng mang lại, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức của bà con trong công tác bảo vệ rừng”.
Tại xã nội địa Nậm Chà, đây cũng là xã có diện tích rừng lớn của huyện với hơn 11.000ha, tỷ lệ che phủ đạt trên 60%. Trong năm 2022 vừa qua, toàn xã nhận được hơn 7 tỷ đồng tiền chi trả DVMTR, trung bình mỗi hộ dân nhận được trên 13 triệu đồng/hộ/năm. Số tiền trên đã giúp cho nhiều hộ dân có điều kiện xây dựng chuồng trại chăn nuôi, mua cây, con giống về phát triển kinh tế hộ gia đình. Chúng tôi có mặt tại bản Nậm Chà - một trong những bản) có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất của xã với trên 70%. Ông Chẻo Sếnh Chòi (người dân trong bản) cho biết: “Từ khi có tiền DVMTR, ý thức bảo vệ rừng của bà con đã tốt hơn rất nhiều. Trong bản lập quy ước, nếu ai vào rừng chặt phá cây, bắt động vật sẽ bị cả bản lên án và xem xét đề nghị không trả tiền DVMTR năm đó. Dưới tán rừng bà con trồng sa nhân cùng một số cây dược liệu khác. Cùng với việc khai thác hợp lý các nguồn lợi từ rừng đã góp phần nâng cao đời sống cho dân bản”.
Giữ rừng không chỉ góp phần tạo sinh kế lâu dài, ấm no cho người dân mà còn giúp thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện. Đồng thời, thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đến nay, huyện Nậm Nhùn duy trì 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ giảm nghèo đạt từ 4-5%/năm; thu nhập bình quân hơn 30 triệu đồng/người/năm; 100% số xã và khoảng 60% số bản có đường ôtô đi lại thuận tiện trong mùa mưa. Những kết quả trên một phần cũng nhờ người dân bảo vệ, giữ được rừng.
Giữ rừng cũng chính là giữ ấm no, giữ sinh kế bền vững cho người dân trên địa bàn. Với những kết quả đã đạt được, tin tưởng rằng diện tích rừng của huyện Nậm Nhùn sẽ ngày càng phát triển, đời sống của người dân ngày một ấm no hơn nữa.

 

Nguyễn Tùng (Báo Lai Châu: Thứ tư, 14/06/2023 - 11:03')


Nguồn:Báo Lai Châu Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan