A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dứa thơm trên đất Lai Châu

2 năm trở lại đây, cây dứa được một số địa phương trong tỉnh như: Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Than Uyên, Tân Uyên đưa vào trồng trên các vùng đất khô cằn, thiếu nước. Với hiệu quả kinh tế bước đầu, dứa trở thành một trong những cây trồng mới, giúp bà con các bản vùng cao ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập.

Trên những vùng đất kém màu mỡ ở các bản: Che Bó, Sam Sẩu, đội 11 của xã Phúc Than (huyện Than Uyên), nhiều năm rồi, khó có cây trồng nào chịu được sức gió, sự khô hanh của nắng gắt và tình trạng thiếu nước thường xuyên. Ấy vậy, từ khi đưa cây dứa vào trồng, bà con có niềm hy vọng mới.
Chị Sùng Thị Cô ở bản Che Bó phấn khởi: Vùng đất từng bị bỏ hoang, nay đưa cây dứa lên xanh tốt, chúng tôi vui lắm. Cả bản có 5 hộ tham gia mô hình trồng dứa của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện từ năm 2021, đến cuối năm 2022 dứa cho thu hoạch. Tham gia mô hình, các hộ đều được hỗ trợ 70% giống,
phân bón, còn lại gia đình đối ứng. Trong quá trình trồng, chăm sóc, cán bộ nông nghiệp thường xuyên hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, cách phòng trừ sâu bệnh, nên cây trồng phát triển tương đối ổn định. Gia đình tôi trồng 1.000m2 dứa, thu hoạch và bán 15.000 đồng/kg quả, thu về 20 triệu đồng. Vừa rồi, gia đình trồng thêm lứa mới, cây giống tự nhân lên từ vườn dứa của nhà, chỉ cần mua phân bón.
Ở Nậm Nhùn, cây dứa cũng được người dân đưa vào trồng trên các vùng đất bạc màu, đất đồi trọc từ năm 2021 theo mô hình khuyến nông của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện làm thí điểm ở 4 xã: Nậm Hàng, Nậm Manh, Nậm Pì, Trung Chải với quy mô 3,5ha. Anh Nguyễn Viết Tuân - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Qua khảo sát, đánh giá thấy cây dứa phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương, trung tâm quyết định triển khai mô hình. Từ đó, giúp bà con thay đổi tư duy sản xuất, đưa giống mới vào trồng thay thế cây trồng truyền thống như: sắn, ngô kém hiệu quả để thoát nghèo bền vững.

Niềm vui được mùa dứa của bà con xã Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn).

Thấy cây dứa sinh trưởng, phát triển tốt trên các sườn đồi, năm 2022, nhiều hộ dân ở các xã: Lê Lợi, Nậm Manh mua giống về trồng, nhân ra diện rộng. Toàn huyện Nậm Nhùn đã có 30,6ha dứa được thu hoạch với năng suất đạt 27-28 tấn/ha. Trừ chi phí, các hộ trồng dứa thu lãi khoảng 50 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với một số loại cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích. Hiện nay, bà con các xã cũng đang tiếp tục trồng thêm 3ha dứa.
Anh Lường Văn Lương ở bản Nậm Manh (xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn) chia sẻ: Cuối năm 2021, tôi và 2 hộ dân trong bản tham gia mô hình trồng dứa xen canh trên đất trồng 1ha xoài. Đầu năm 2023, chúng tôi thu hoạch lứa đầu tiên, quả to, chín vàng, thơm, ngọt đậm, bán tại chợ huyện giá 5.000 đồng/quả; hết vụ, thu lãi gần 50 triệu đồng. Tới đây, chúng tôi tỉa chồi dứa tiếp tục trồng vụ mới, dự dịnh mở rộng diện tích để nâng cao thu nhập.
Tháng 4/2023, giống dứa Queen được Công ty Cổ phần Trà Than Uyên (huyện Tân Uyên) liên kết với Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Quang Hà tỉnh Điện Biên đưa vào trồng trên đất trồng chè kém hiệu quả với diện tích 30ha. Đây là giống có khả năng chịu hạn, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương; dễ trồng, dễ chăm sóc, chống xói mòn đất dốc. Toàn bộ diện tích 30ha dứa đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 174ha dứa trồng tập trung tại các huyện: Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Than Uyên, Tân Uyên. Theo chia sẻ của các hộ dân, đơn vị tham gia trồng dứa và cơ quan thực hiện mô hình khuyến nông thâm canh dứa trên địa bàn tỉnh, trồng dứa có nhiều lợi ích. Không chỉ về khả năng chịu hạn, dứa còn có thể trồng xen vào các vườn cây ăn quả trong thời kỳ kiến thiết cơ bản để tăng giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Mặt khác, bà con vừa thu hoạch quả vừa thu chồi giống, với giá bán trên thị trường từ 800 - 1.100 đồng/chồi; ước tính 1ha vườn dứa ban đầu sau khi tách chồi thu khoảng 70.000-90.000 chồi giống. Như vậy, bình quân 1ha dứa, người dân sẽ có thu nhập hơn 100 triệu đồng tiền bán quả và chồi giống.
Có thể thấy rằng, cây dứa đã và đang là cây trồng mang lại niềm tin thoát nghèo cho người dân, nhất là ở các bản vùng cao, vùng sâu, vùng có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, bạc màu. Điều mong mỏi lớn nhất của các hộ trồng dứa là có đầu ra ổn định để không phải vượt qua những khó khăn về giao thông đưa nông sản đi tiêu thụ nhỏ, lẻ. Mong rằng, cấp uỷ, chính quyền các địa phương quan tâm hơn nữa, thu hút đầu tư và kết nối với đơn vị ngoài tỉnh tham gia liên kết trồng, tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu và nâng cao giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp - ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.

 

Đinh Đông - Ngọc Duy (Báo Lai Châu: Thứ năm, 02/11/2023 - 13:57')


Nguồn:Báo Lai Châu Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan