Chủ động phòng, trừ sâu bệnh gây hại cây trồng
Do thời tiết mưa nhiều, sâu bệnh phát sinh gây hại trên một số loại cây trồng như: ốc bươu vàng gây hại trên diện tích lúa mùa tại huyện Than Uyên, thành phố Lai Châu, với mật độ trung bình 0,3-0,6 con/m2, cục bộ 3-4 con/m2, diện tích nhiễm 2,6ha. Tập đoàn rầy gây hại trên lúa mật độ cao 15- 45 con/m2. Sâu keo mùa thu phát sinh gây hại trên cây ngô xuân hè tại thành phố Lai Châu. Mật độ cao 3 con/m2, diện tích nhiễm lên đến 62ha. Ngoài ra, cây chanh leo tại huyện Tam Đường bị bệnh xoăn lá, diện tích nhiễm 2ha. Bệnh đốm dầu phát sinh gây hại diện tích nhiễm 3,5ha. Đặc biệt, hiện nay nhiều loại sâu bệnh đang gây hại trên cây chè ở thành phố Lai Châu.
Đồng chí Nguyễn Đức Duyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV cho biết: Rầy xanh gây hại chè với tỷ lệ hại trung bình 5% búp, cao 20% búp, diện tích nhiễm 12,5ha. Bệnh đốm nâu phát sinh gây hại chè tỷ lệ hại cao 20% số lá, cục bộ 30% số lá, diện tích nhiễm 13,5ha. Bệnh thối búp gây hại chè tỷ lệ hại cao 15% búp, cục bộ 30% búp, diện tích nhiễm 9,5ha… Sâu bệnh gây hại chè nâng tổng diện tích nhiễm sâu bệnh trên các loại cây trồng lên 143ha.
Trước thực trạng sâu bệnh gây hại cây trồng, Chi cục TT&BVTV chủ động tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh ban hành các công văn về việc chủ động phòng, chống chuột, sâu bệnh hại cây trồng. Đồng thời, làm tốt công tác dự báo tình hình sâu bệnh, đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trên địa bàn, UBND các xã, phường, thị trấn hướng dẫn bà con trước khi gieo cấy vệ sinh đồng ruộng bằng biện pháp cày bừa kỹ, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương và khuyến cáo nông dân bón vôi cải tạo đất đối với những chân ruộng bị chua, phèn, hạn chế mầm bệnh phát sinh gây hại. Cử cán bộ bám sát đồng ruộng, hướng dẫn người dân chăm sóc cây trồng theo đúng quy trình kỹ thuật, bón phân cân đối để tăng khả năng chống chịu; nắm chắc tình hình sâu bệnh. Sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, liều lượng và đúng cách). Đến nay, với sự vào cuộc tích cực của các cán bộ, nông dân trong tỉnh đã phòng trừ được tổng số 101ha. Trong đó: phòng trừ được 3ha lúa bị ốc bươu vàng gây hại, 58ha ngô xuân hè bị sâu keo mùa thu gây hại, 10ha chè bị rầy xanh gây hại, 5ha chè bị bọ xít muỗi gây hại…
Người dân bản Thành Công (xã San Thàng, thành phố Lai Châu) thường xuyên thăm đồi chè, chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại.
Có mặt tại khu vực trồng chè của người dân bản Thành Công (xã San Thàng, thành phố Lai Châu), chúng tôi nhận thấy diện tích chè hầu hết đang bước vào giai đoạn thu hoạch. Những cây chè đua nhau ra búp nhưng vẫn để lộ những lớp lá rụng, lá non bị sâu cuốn lá, rệp bám trên búp non. Chị Trần Thị Dung, người dân ở tổ dân phố số 1 (phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) nói: “Gia đình tôi có gần 3.000m2 chè trồng tại bản Thành Công. Cách đây vài tháng sâu cuốn lá, rầy, nhện đỏ gây hại rất mạnh tôi đã mua thuốc về phun 4 lần. Gần đây, rầy và rệp gây hại tôi phun thêm 2 lần, giờ sâu bệnh thuyên giảm, chè được thu lứa thứ 3, ước tính tổng lượng chè thu được gần 2 tấn”.
Cây chè là nguồn thu chính của gia đình, chị Vũ Thị Thoa người dân bản Thành Công hằng ngày đều bố trí thời gian thăm vườn. Với diện tích 3.000m2, vừa qua ngay khi phát hiện nhện đỏ, rầy nâu gây hại, anh chị tiến hành phun phòng trừ ngay, sau 2 lần đã ngăn chặn sâu bệnh kịp thời. Giờ đây, gia đình chị thu được trên 2 tấn chè búp.
Thời gian tới, dự báo thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể mưa nhiều, độ ẩm cao, cây trồng cũng bước vào giai đoạn phát triển quyết định đến năng suất, sản lượng cuối vụ. Cán bộ chuyên môn của Chi cục TT&BVTV tỉnh tiếp tục phối hợp cán bộ chuyên môn cấp huyện, cấp xã tích cực thăm đồng, hướng dẫn nhân dân cách phòng trừ. Tuy nhiên, để phòng trừ triệt để và hiệu quả sâu bệnh, bà con cần chủ động vào cuộc.