Điều 1. Vị trí, chức năng
Phòng Địa chất và khoáng sản là phòng chuyên môn thuộc Sở Nông
nghiệp và Môi trường, tham mưu Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước về địa chất và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Xây dựng trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn về quản lý địa chất và khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về địa chất và khoáng sản đối với cơ quan quản lý khoáng sản cấp huyện, cấp xã, các tổ chức và nhân dân địa phương.
2. Lập phương án thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản của địa phương tích hợp trong Quy hoạch tỉnh theo quy định; khoanh định các khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn, đôn đốc trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản, quy chế phối hợp với các tỉnh giáp ranh trong quản lý nhà nước về khoáng sản.
3. Khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh; lập kế hoạch và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh sau khi được phê duyệt; trình công nhận hoặc hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định.
4. Tổ chức thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đề án, báo cáo kết quả đánh giá tiềm năng khoáng sản đối với khoáng sản nhóm IV được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách của tỉnh; lập đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, tổ chức đóng cửa mỏ khoáng sản trong trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản giải thể, phá sản, bỏ địa chỉ kinh doanh không thực hiện đóng cửa mỏ.
5. Lập hồ sơ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Môi trường khi phát hiện có thông tin khoáng sản mới; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã được phê duyệt, cấp phép thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh và định kỳ báo cáo Bộ Nông nghiệp và Môi trường theo quy định.
6. Tổ chức tiếp nhận, tham mưu thẩm định hồ sơ cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi, trả lại giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản; hồ sơ chuyển nhượng quyền thăm dò, quyền khai thác khoáng sản; hồ sơ trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò, khu vực khai thác khoáng sản; hồ sơ đăng ký khai thác, thu hồi khoáng sản; đề án đóng cửa mỏ và báo cáo kết
quả đóng cửa mỏ khoáng sản.
7. Tổ chức thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết việc khảo sát thực địa, lấy mẫu trên mặt đất để lựa chọn diện tích lập đề án thăm dò khoáng sản của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; thông báo chấp thuận khảo sát, đánh giá thông tin chung đối với khoáng sản nhóm IV.
8. Tổ chức thẩm định báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản, hồ sơ phê duyệt trữ lượng khoáng sản đối với các khoáng sản thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh; xác nhận kết quả khảo sát, đánh giá thông tin chung đối với khoáng sản nhóm IV.
9. Tổ chức xác định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả đối với các mỏ thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh.
10. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi của phòng.
11. Quản lý cán bộ, công chức, trang thiết bị của phòng theo quy định; Thực hiện chế độ thông tin báo cáo và các quy định đối với cán bộ công chức;
12. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức và biên chế
1. Tổ chức của phòng Địa chất và khoáng sản gồm: Trưởng phòng, các Phó Trưởng phòng và công chức.
a) Trưởng phòng là người đứng đầu phòng Địa chất và khoáng sản, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của phòng;
b) Phó Trưởng phòng là người giúp Trưởng phòng chỉ đạo một số nhiệm vụ, lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công. Khi Trưởng phòng vắng mặt, một Phó Trưởng phòng được Trưởng phòng ủy quyền điều hành các hoạt động của phòng.
2. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu và thực hiện chế độ, chính sách đối với Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường quyết định theo quy định của Đảng, của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ của tỉnh.
3. Biên chế công chức của phòng Địa chất và khoáng sản nằm trong tổng biên chế hành chính của Sở Nông nghiệp và Môi trường được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và danh mục vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hàng năm phòng Địa chất và khoáng sản xây dựng kế hoạch sử dụng biên chế công chức trong tổ chức hành chính theo quy định của pháp luật đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ được giao.