Điều 1. Vị trí, chức năng
Phòng Môi trường và biến đổi khí hậu là phòng chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường, tham mưu Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường của tỉnh; quản lý bảo vệ chất lượng môi trường nước mặt, nước dưới đất, không khí, đất và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức thực hiện thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường; tham mưu cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, tước quyền sử dụng, thu hồi giấy phép môi trường; kiểm tra công trình bảo vệ môi trường và vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; thẩm định phương án cải tạo phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản. Tham gia ý kiến đánh giá sơ bộ tác động môi trường đối với dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.
3. Thực hiện quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đô thị và nông thôn và trong một số lĩnh vực theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
4. Tham mưu quản lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải rắn công nghiệp thông thường; chất thải nguy hại; nước thải; bụi, khí thải, tiếng ồn, độ rung và các chất ô nhiễm khác.
5. Tham mưu triển khai các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng và dựa vào hệ sinh thái; ứng phó với ngập lụt đô thị và quy định khác của pháp luật có liên quan; tổ chức đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; định kỳ hằng năm tổng hợp, gửi báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
6. Xây dựng và tổ chức thực hiện việc giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu trong phạm vi quản lý.
7. Cung cấp thông tin, số liệu phục vụ kiểm kê khí nhà kính; kiểm soát hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu các chất thuộc danh mục các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính.
8. Điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, dữ liệu về biến đổi khí hậu; hằng năm tổng hợp báo cáo về ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường; tham gia triển khai thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
9. Tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh theo chức năng nhiệm vụ; giám sát dữ liệu quan trắc và đánh giá kết quả quan trắc nước thải và khí thải công nghiệp tự động, liên tục của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cụm công nghiệp; quản lý số liệu quan trắc môi trường.
10. Tham mưu cung cấp thông tin về môi trường thuộc trách nhiệm thu nhận, lưu trữ và quản lý cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường thông qua hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia hoặc báo cáo theo quy định của pháp luật; tham mưu xây dựng, quản lý, cập nhật, lưu trữ, tổ chức triển khai cơ sở dữ liệu môi trường cấp tỉnh; bảo đảm tích hợp, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia; xây dựng, tổ chức, hướng dẫn triển khai dịch vụ công trực tuyến về môi trường, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối, liên thông theo quy định của pháp luật.
11. Tham mưu báo cáo Bộ Nông nghiệp và Môi trường các chỉ tiêu thống kê về môi trường; báo cáo công tác bảo vệ môi trường hàng năm, giai đoạn; báo cáo hiện trạng môi trường của tỉnh (báo cáo tổng quan về hiện trạng môi trường của địa phương; báo cáo chuyên đề về hiện trạng môi trường); báo cáo về ứng phó với biến đổi khí hậu.
12. Điều tra, thống kê, đánh giá nguy cơ sự cố môi trường do chất thải, thiên tai, cháy rừng, dịch bệnh trên vật nuôi có thể xảy ra trên địa bàn; xây dựng cơ sở dữ liệu và lập, công khai thông tin về các nguồn có nguy cơ gây ra sự cố môi trường do chất thải, thiên tai, cháy rừng, dịch bệnh trên vật nuôi; xây dựng và theo dõi đôn đốc Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường do chất thải, thiên tai, cháy rừng, dịch bệnh trên vật nuôi gây ra trên địa bàn. Tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường, xây dựng, trình phê duyệt và theo dõi, đôn đốc tổ chức thực hiện kế hoạch phục hồi môi trường đối với sự cố môi trường do chất thải, thiên tai, cháy rừng, dịch bệnh trên vật nuôi gây ra cấp tỉnh. Tham gia điều tra, đánh giá nguồn lợi môi trường sống của các loài thủy sản.
13. Yêu cầu bồi thường thiệt hại và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên.
14. Truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường.
15. Thực hiện hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường trong phạm vi quản lý.
16. Kiểm tra về bảo vệ môi trường trên địa bàn; phối hợp thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi trường.
17. Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; giám sát hoạt động khảo nghiệm sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
18 Xây dựng và hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và hoạt động phát triển nông thôn tại địa phương.
19. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao.
20. Quản lý công chức, tài sản thuộc Phòng theo quy định.
21. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính; quản lý ISO thuộc chức năng, nhiệm vụ của phòng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng.
22. Thực hiện nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở giao