Việt Nam lai tạo thành công giống ngô siêu ngọt có thể ăn trực tiếp
Giống ngô siêu ngọt SSW18 của nhóm nghiên cứu thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam có màu trắng sữa, mềm, độ ngọt hơn trái cây, hái xuống có thể ăn liền, không cần qua chế biến.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Hà, Phó trưởng phòng Nghiên cứu cây trồng cạn, Viện nghiên cứu và phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, điểm đặc biệt của giống ngô này có hàm lượng nước cao, tinh bột thấp, khi ăn trực tiếp có vị như hoa quả chín, không có cảm giác ngái.
So với ngô thông thường có độ ngọt khoảng 12-15 độ Brix, giống ngô mới có độ ngọt 18 độ Brix, trong điều kiện canh tác tốt có thể lên tới 20 độ Brix (như trồng tại Sapa). Hàm lượng đường trong ngô cao, tuy nhiên không giống ảnh hưởng như đường glucose, đường mía nên những người bị tiểu đường, người ăn kiêng hoàn toàn có thể sử dụng được.
SSW18 siêu ngọt được lai đơn giữa hai dòng bố mẹ, do nhóm nghiên cứu chọn tạo trong nước, không sử dụng biến đổi gene. Hình thái bề ngoài giống ngô nếp, tuy nhiên khi cắt lát bên trong, hạt ngô có màu trong của thạch, hàm lượng nước cao. Mặt khác, hạt ngô có hàm lượng tinh bột thấp, không cần quá trình chế biến để làm chín tinh bột, nên có thể ăn sống mà không có vị ngái. "Đây là hướng nghiên cứu mới mà nhóm muốn giới thiệu với bà con, có thể tiếp nhận và thưởng thức sản phẩm này", ThS Hà nói. Bước đầu nhóm chọn được giống, đang hoàn thiện và cải thiện một số tính trạng để đưa ra thương mại hóa.
Giống bắp siêu ngọt này vẫn tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất, lựa chọn vùng canh tác áp dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng bắp, độ ngọt và chống chịu tốt với sâu bệnh.
Nhóm nghiên cứu đã ấp ủ và theo đuổi giống ngô có thể ăn như hoa quả, không cần qua chế biến từ khoảng 7 - 8 năm trước. Hướng chọn giống ngô có thể ăn trực tiếp là xu hướng của nhiều nước tiên tiến trên thế giới với loại cây trồng này. "Bên cạnh thuận tiện cho quá trình ăn uống, không qua chế biến có thể giữ hàm lượng chất dinh dưỡng trong bắp như một số vitamin, axit amin", anh Hà nói. Do đó, nhóm nghiên cứu cũng xây dựng quy trình canh tác hữu cơ, đảm bảo an toàn sử dụng, không ảnh hưởng chất hóa học trong quá trình nuôi trồng.
Nhóm đã triển khai thử nghiệm trồng tại Mộc Châu (Sơn La), Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), Hà Giang, Vĩnh Phúc và Hà Nội. Tại các vùng có khí hậu mát mẻ, cây cho năng suất tốt, ít sâu bệnh hơn, ví dụ ở Sapa. Đây là các vùng trồng bắp truyền thống, phát triển tốt du lịch, xóa đói giảm nghèo và có thể trở thành cây đặc sản địa phương.
Theo nhóm nghiên cứu, ngô siêu ngọt SSW18 phát triển khỏe, nhanh, tuy nhiên năng suất sản lượng ở mức trung bình, không quá cao ngô nếp, ngô tẻ hiện nay. Thời gian từ gieo trồng đến thu hoạch bắp tươi là 70 - 80 ngày tùy từng vùng, vụ trồng, thời tiết với năng suất đạt từ 10 - 12 tấn/ha.
Các nhà khoa học đang thử nghiệm giống ở các địa bàn sinh thái khác nhau để chọn vùng canh tác áp dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng bắp, độ ngọt và chống chịu tốt với sâu bệnh. Nhóm cho biết, sẵn sàng hợp tác trao đổi và đầu tư hoàn thiện công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà nước để có thể đưa giống ra thị trường.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tin tưởng việc tự chủ được giống bắp, công nghệ, quy trình sản xuất thì Việt Nam sẽ bớt phụ thuộc một phần vào nhập khẩu bắp đường từ Philippin, Mỹ, Thái Lan.
NLA (Cổng TTĐT Bộ Nông nghiệp và PTNT)