Hội nghị Tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024
Chiều ngày 12/01/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024. Đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu dự và phát biểu chỉ đạo. Đồng chí Đặng Văn Châu - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có các đồng chí đại diện Lãnh đạo: Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; Ban Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Sở; phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, phòng Kinh tế thành phố; Ban quản lý rừng phòng hộ các huyện; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố; Hiệp hội, doanh nghiệp, công ty thuộc lĩnh vực nông nghiệp trong tỉnh...
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Tống Văn Dương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông qua: Năm 2023 với sự nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức, toàn ngành Nông nghiệp và PTNT đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu năm 2023, tiếp đà phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, nổi bật là:
Tổng sản lượng lương thực có hạt 225.215 tấn, đạt 100,1% kế hoạch (KH), trong đó: Sản lượng lúa 152.435 tấn; sản lượng ngô ước đạt 72.780 tấn; tổng diện tích chè trên địa bàn tỉnh đạt 9.796 ha, sản lượng chè búp tươi ước đạt 54.000 tấn, đạt 103,8% KH; tổng diện tích cây ăn quả đạt 8.910 ha, đạt 103,5% KH, sản lượng ước đạt 61.000 tấn, tăng 1.000 tấn so với cùng kỳ năm trước; tổng diện tích cây dược liệu đạt 11.063 ha...
Tổng đàn gia súc chính đạt 353.350 con, đạt 100,1% KH; toàn tỉnh hiện có 221 trang trại chăn nuôi, tăng 30 trang trại so với năm 2022. Phát triển khá mạnh đàn ong, toàn tỉnh có khoảng 11.350 đàn ong tập trung; 07 Hợp tác xã nuôi ong; có 08 sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP. Diện tích, thể tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản đều đạt và vượt so với kế hoạch được giao. Diện tích ao nuôi trồng thủy sản đạt 1.013 ha, đạt 102,1% KH.
Tổng diện tích rừng hiện có là 494.196 ha, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh ước đạt 52,3%, đạt 100% KH, tăng 0,43% so với năm 2022. Công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng thực hiện đảm bảo theo quy định. Kết quả theo bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lai Châu đạt bình quân trên 13,6 tiêu chí/xã; số xã đạt 19 tiêu chí 39 xã; số xã đạt 15 - 18 tiêu chí 2 xã; số xã đạt 10 - 14 tiêu chí 27 xã; số xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí 26 xã.
Trong năm 2023 trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức đánh giá phân hạng và chứng nhận được 93 sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 4 sao của 42 chủ thể. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 204 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt hạng từ 3 sao đến 4 sao của 89 chủ thể...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp và PTNT trong năm 2023. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải đề nghị năm 2024 cần thực hiện tốt những nhiệm vụ sau, về thể chế, một là: Đề nghị khẩn trương phối hợp với các ngành, các huyện rà soát, sớm trình điều chỉnh một số nội dung trong Đề án thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Hai là: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất với các huyện rà soát lại tiềm năng, lợi thế của các vùng, các lĩnh vực để thu hút đầu tư, đảm bảo phù hợp giữa các lĩnh vực của ngành, không quá tập trung vào một lĩnh vực; đầu tư tạo ra các vùng nguyên liệu cần tính toán hợp lý gắn với chế biến; điều tra, khảo sát, xác lập cụ thể diện tích chi tiết cho vùng trồng Sâm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Ba là: Khẩn trương tham mưu trình Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị và UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý chất lượng các vùng nguyên liệu cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong đó ưu tiên trước cho vùng chè, vùng quế và các cây trồng khác theo hướng hữu cơ, quản lý chặt chẽ, bền vững, có quy định cụ thể, nâng cao vai trò của Hội, Hiệp hội, chủ thể; Bốn là: Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Năm là: Thúc đẩy phát triển các sản phẩm khoa học làm cơ sở để xây dựng thương hiệu và công bố chỉ số các sản phẩm của tỉnh (sâm, chè hoa đỏ…); Sáu là: Thắt chặt trách nhiệm và công tác phối hợp của các ngành, các lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Khoa học,Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh HTX, các Hiệp Hội…Bảy là: Tập trung quản lý nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu; quản lý thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường kiểm tra tổ chức sản xuất…; Về xây dựng nông thôn mới cần quan tâm hoàn thành sớm quy hoạch xã, huyện; mỗi huyện, mỗi xã cần xác định ít nhất một điển hình, mỗi bản cần xác định một điểm nhấn để thực hiện, đưa vai trò chủ thể của nông dân làm chủ đạo trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra của các ngành cụ thể theo từng quý trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới…để ngành nông nghiệp và PTNT hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra./.
Một số hình ảnh khác tại Hội nghị: