Ký kết Quy chế phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng khu vực giáp ranh năm 2024
Sáng 26/10, tại thành phố Lai Châu, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lai Châu (trưởng cụm) tổ chức Hội nghị Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) vùng giáp ranh giữa 3 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La.
Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Chi cục Kiểm lâm các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La.
Các đại biểu dự Hội nghị.
Khu vực giáp ranh giữa 3 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên và Sơn La bao gồm 19 huyện, thị xã với tổng 68 xã, phường. Diện tích tự nhiên của vùng giáp ranh trên 1.271.311ha, trong đó diện tích đất có rừng trên 644.509ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 50,7%. Khu vực giáp ranh có diện tích rừng tương đối lớn, trữ lượng, chất lượng rừng cao và tính đa dạng sinh học phong phú lưu giữ nhiều nguồn gen quý, hiếm, cần được bảo vệ như: nghiến, pơ mu, thông tre lá dài, sâm Lai Châu, tam thất hoang, thất diệp nhất chi hoa,… và nhiều loài động vật rừng quý hiếm như: gấu ngựa, beo lửa, mèo rừng, gà lôi tía,… cùng một số loài dược liệu quý, hiếm khác. Do đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và PCCCR tại các khu vực giáp ranh cần được đặc biệt quan tâm.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm 3 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La chủ trì Hội nghị.
Thực hiện quy chế phối hợp, Hạt kiểm lâm các vùng giáp ranh của 3 tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin, kịp thời nắm bắt tình hình thời tiết tại khu vực giáp ranh để tăng cường kiểm lâm địa bàn vào thời gian nắng nóng. Năm 2024, trên địa bàn các huyện giáp ranh tổ chức tuyên truyền 926 buổi trực tiếp và ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR, thu hút 67.923 người dân tham gia. Tuyên truyền qua loa truyền thanh khu vực giáp ranh được 421 buổi với tổng số 241 giờ phát sóng. Tuy nhiên, mùa khô năm 2023-2024 trong khu vực các xã giáp ranh vẫn xảy ra 5 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 3,15ha. Riêng năm 2024 trong khu vực các xã giáp ranh giữa 3 tỉnh đã phát hiện và xử lý 41 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Trong đó, 2 vụ xử lý hình sự và 39 vụ xử lý vi phạm hành chính, cụ thể: phá rừng trái pháp luật với 32 vụ, diện tích rừng thiệt hại là 1,59ha; Vi phạm các quy định của nhà nước về PCCCR 5 vụ với diện tích rừng thiệt hại là 3,15ha; mua bán vận chuyển, tàng trữ lâm sản gỗ trái pháp luật 4 vụ với 0,699m3 gỗ tròn thông thường, 0,256m3 gỗ xẻ pơ mu nhóm IIa.
Đồng chí Nguyễn Trọng Lịch – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lai Châu phát biểu tại Hội nghị.
Theo quy chế phối hợp trong thời gian tới, các tỉnh có khu vực rừng giáp ranh đề xuất giải pháp xác định công tác bảo vệ rừng, PCCCR là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác bảo vệ rừng, PCCCR là nhiệm vụ quan trọng lâu dài; nêu cao vai trò trách nhiệm của kiểm lâm địa bàn cùng các lực lượng liên quan… Đề xuất kiến nghị về phê duyệt kinh phí thực hiện phương án PCCCR; tiếp tục rà soát công tác quy chế phối hợp giữa các địa phương; các tỉnh cần xây dựng giải pháp giúp đỡ sinh kế cho người dân nhằm ổn định cuộc sống lâu dài, bền vững, giảm thiểu sự phụ thuộc vào tài nguyên rừng.
Các ý kiến tại Hội nghị đã chia sẻ cách làm hay, kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ, PCCCR và công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Lịch – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lai Châu đánh giá cao sự nỗ lực của lực lượng kiểm lâm 3 tỉnh. Đồng thời đề nghị: lực lượng kiểm lâm của các tỉnh thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp đã ký kết; tăng cường tuyên truyền đến nhân dân vùng giáp ranh về công tác bảo vệ, PCCCR; sẵn sàng huy động lực lượng tham gia PCCCR; xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch, phương án phối hợp tuần tra, truy quét các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp…
Chi cục Kiểm lâm 3 tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên ký Quy chế phối hợp trong thời gian tới.
Tại Hội nghị đại diện chi cục kiểm lâm 3 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La đã tiếp tục ký Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và PCCCR vùng giáp ranh.
Ảnh, bài viết: Hà Tĩnh