A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng dẫn triển khai công tác phòng, chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi

Ngày 18/10/2013, Sở Nông nghiệp và PTNT Lai Châu ban hành Công văn số 445 /SNN-NN về việc hướng dẫn triển khai công tác phòng, chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi. Nội dung cụ thể như sau:

 Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, vụ Đông xuân 2013 - 2014 thời tiết khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp, vùng núi có khả năng xảy ra rét đậm, rét hại kèm theo băng giá, sương muối. Để chủ động đối phó với tình hình thời tiết bất lợi cho cây trồng, vật nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, các đơn vị trực thuộc chủ động triển khai công tác phòng, chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi, cụ thể như sau:
           1. Phòng, chống rét cho lúa vụ Đông xuân 2013 - 2014

           a) Đối với cây mạ:

          - Đối với những diện tích mạ đã gieo, nếu nhiệt độ xuống dưới 150C và thời gian rét kéo dài tuyệt đối không bón phân đạm, phân NPK, chỉ bón lân và tro bếp cho mạ, kết hợp điều tiết nước xăm xắp trên mặt luống mạ qua đêm (đêm đưa nước vào để ấm chân mạ, ngày tháo cạn nước để đất hấp thu nhiệt), dùng nilon trắng mỏng trùm kín cho 100% diện tích mạ (tuyệt đối không dùng các loại nilon tối màu). Với những ngày có nhiệt độ trên 200C thì mở nilon ở 2 đầu luống. Ngoài ra có thể sử dụng các loại phân bón qua lá, các chế phẩm sinh học phun cho mạ để tăng khả năng chống chịu cho mạ.

          - Đối với thóc giống đã ngâm, ủ giống nên gieo mạ sân hoặc mạ khay. Gieo nơi khuất gió, không gieo mạ vào những ngày trời rét. Sau khi gieo xong thực hiện các biện pháp chống rét cho mạ như đã nêu ở trên.

          - Đối với những diện tích mạ đã đủ tiêu chuẩn cấy nhưng do điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại (dưới 130C) thì ngừng cấy, giữ mạ lại chờ nhiệt độ ấm lại.

          b) Đối với lúa cấy và gieo sạ:

          Cần đưa nước vào ruộng duy trì ở mực nước tối thiểu 2 - 3cm liên tục để giữ lúa ấm chân. Đối với diện tích lúa mới gieo sạ không tháo nước vào ruộng, tăng cường bón tro bếp, phân lân. Tuyệt đối không được bón phân đạm, các loại phân bón lá. Chỉ khi nhiệt độ ấm trở lại một thời gian mới tiến hành chăm sóc, sục bùn kết hợp bón bổ sung lân, NPK, phân chuồng hoai để kích thích rễ phát triển, duy trì mực nước nông để lúa sinh trưởng thuận lợi và đẻ nhánh sớm, không để ruộng lúa mới cấy bị hạn.

         2. Phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm

        - Tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân: Xây dựng, sửa chữa, che chắn chuồng trại bằng các vật dụng sẵn có như bạt, bao tải, phên…; giữ khô nền chuồng, hạn chế gió lùa; làm áo khoác giữ ấm cho trâu, bò, chú ý áo khoác luôn phải giữ khô; tạo nguồn nhiệt để sưởi ấm tại chuồng (thắp điện, đốt củi, ủ trấu…) cho trâu, bò, đặc biệt là bê, nghé, lợn con; di chuyển đàn trâu, bò từ vùng cao xuống vùng thấp, đưa gia súc thả rông về để chủ động chăm sóc, nuôi dưỡng. Nhốt trâu, bò tại chuồng, không chăn thả tự do hoặc làm việc vào thời gian nhiệt độ xuống dưới 130C hoặc những ngày mưa rét.

        - Chủ động nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi: Tiếp tục chỉ đạo nhân dân thu gom, dự trữ rơm, rạ; thực hiện trồng ngô dày làm thức ăn cho gia súc; ủ rơm, cỏ nâng cao giá trị dinh dưỡng thức ăn; dự trữ thức ăn tinh, khoáng chất để bổ sung cho vật nuôi khi cần thiết đảm bảo cung cấp thức ăn tại chuồng khi có rét đậm, rét hại xảy ra, không để trâu, bò bị đói, khát.

         - Thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý tốt chất thải chăn nuôi. Tăng cường kiểm tra, giám sát đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh xảy ra; chủ động phương án về nhân lực, vật tư, kinh phí cần thiết để xử lý dịch bệnh kịp thời ngay trong diện hẹp. Triển khai tốt kế hoạch tiêm phòng văc xin định kỳ vụ Xuân hè, LMLM đợt 1 năm 2014 cho đàn gia súc.

        - Thực hiện tốt công tác kiểm tra kiểm dịch, kiểm soát giết mổ chặt chẽ, đặc biệt tập trung kiểm dịch vận chuyển động vật nhập vào địa bàn tỉnh phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán. Phối hợp với lực lượng biên phòng, hải quan, chính quyền huyện, xã biên giới tăng cường kiểm tra nhằm hạn chế tiến tới ngăn chặn việc vận chuyển buôn bán lậu gia súc, gia cầm và các sản phẩm của chúng qua biên giới.

        3. Đối với thủy sản

        - Hướng dẫn nhân dân thực hiện: Giữ độ sâu nước trong ao, hồ 1,4 - 1,5m, ở các góc ao kín gió làm những sọt tre, bó rơm hoặc các túm bao tải dứa dìm xuống nước, các ống tre, ống nhựa có một đầu rỗng… để cá trú đông. Trên mặt ao thả bèo tây, khoảng 2/3 diện tích ao hoặc che mặt ao bằng bạt nilon (nếu ao, hồ quá rộng cần làm giàn trên mặt) để tránh gió lùa đưa không khí lạnh làm nhiệt độ nước giảm thấp.

       - Thường xuyên theo dõi, kiểm tra ao, đặc biệt chú ý tới mức nước trong ao, cho ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng hoặc thức ăn công nghiệp chất lượng cao (cần theo dõi lượng thức ăn, tránh dư thừa làm ô nhiễm nước trong ao), bổ sung vitamin C, thuốc phòng bệnh vào thức ăn để tăng khả năng kháng bệnh dịch và khả năng chịu rét.

        Trên đây là một số biện pháp nhằm phòng, chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, các đơn vị trực thuộc Sở thường xuyên theo dõi diễn biến dự báo thời tiết, có kế hoạch chỉ đạo sản xuất, tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể tới người dân trên địa bàn chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan