A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị đầu bờ “Dự án xây dựng mô hình thử nghiệm một số giống lúa thuần, lúa lai có năng suất, chất lượng cao tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu” vụ đông xuân năm 2013 – 2014

Vụ Đông Xuân vừa qua, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tam Đường phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Lai Châu tiến hành hội nghị đầu bờ “Dự án xây dựng mô hình thử nghiệm một số giống lúa thuần, lúa lai có năng suất, chất lượng cao tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu” vụ đông xuân năm 2013 – 2014. Mô hình có quy mô 1,08 ha triển khai tại xã Bình Lư huyện Tam Đường, sử dụng giống Lúa lai: Nhị ưu 838 (đối chứng), SL8H, Nghi hương 2308, HYT108, Bio404;  Lúa thuần: Khang dân (đối chứng), HT6, HT9, SH2, Séng Cù. Tham gia mô hình người dân được hỗ trợ 100% giống, thuốc BVTV, hướng dẫn kỹ thuật, 50% phân vô cơ; đối ứng công lao động, phân hữu cơ, 50% phân vô cơ. Trong thời gian triển khai, cán bộ kỹ thuật thường xuyên xuống địa bàn hướng dẫn các hộ từ khâu làm đất, gieo mạ, cấy, chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh hại cho lúa.

Sau hơn 5 tháng triển khai thực hiện, ngày 6/6 phòng Nông nghiệp và PTNT Tam Đường cùng các bên liên quan tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả các giống lúa trồng thử nghiệm trong mô hình. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và công nghệ, UBND huyện, lãnh đạo, cán bộ khuyến nông cơ sở của xã Bình Lư và các hộ tham gia mô hình. Qua tham quan thực tế, các đại biểu được tận mắt nhìn thấy cách trồng và cách bố trí các ô thí nghiệm được sử dụng trong mô hình, trong đó các ô thí nghiệm được bố trí theo khối ngẫu nhiên đầy đủ (RCB); Mỗi khu bố tríchia thành 15 ô, kích thước ô thí nghiệm 100m2/1 ô, khoảng cách giữa các ô là 30 cm (dải phân cách), các giống được bố trí ngẫu nhiên và nhắc lại 3 lần. Về lượng giống sử dụng: lúa thuần 70 kg/ha, lúa lai 30 kg/ha; Mật độ: Gieo vãi sau khi tỉa dặm: lúa thuần 80-90 khóm/m2; lúa lai từ 70-75 khóm/m2; cấy: lúa thuần 45-50 khóm/m2; lúa lai từ 40-45 khóm/m2. Về chăm sóc: Làm cỏ 2 đợt, đợt 1 sau 10 -12 ngày gieo, 7 – 10 ngày sau cấy, đợt 2 cách đợt 1 từ 15-20 ngày. Bón phân: Bón 3 lần, thời điểm bón (lần 1 bón lót trước khi cấy bón toàn bộ phân chuồng, phân lân, lần 2 bón thúc đẻ nhánh bón 70% đạm, 30% kali, lần 3 bón thúc đón đòng 7-10 ngày trước khi trỗ bón toàn bộ lượng phân còn lại).

            Nhờ áp dụng theo quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn nên lúa sinh trưởng phát triển tốt, nhiễm nhẹ 1 số loại sâu bệnh như: sâu đục thân, đạo ôn, sâu cuốn lá, rầy lưng trắng, khô vằn, bạc lá nhưng đều được phun thuốc BVTV phòng trừ kịp thời. Kết quả mô hình: Lúa thuần: giống Khang dân (đ/c) đạt 56,33 tạ/ha; Séng cù đạt 50,67 tạ/ha; HT6 đạt 62 tạ/ha; HT9 đạt 63,3 tạ/ha; SH2 đạt 53 tạ/ha; Lúa lai: Nhị ưu (đ/c) đạt 66,6 tạ/ha; Nghi Hương đạt 65 tạ/ha; Bio404 đạt 62,7 tạ/ha; SL8H đạt 65 tạ/ha; HYT108 đạt 71 tạ/ha. Về chất lượng gạo: giống Séng Cù, Nghi Hương, HT6 và HT9 được đánh giá dẻo và thơm. Về thời gian sinh trưởng của lúa thuần giống Séng Cù khoảng 135-139 ngày, các giống khác từ 149-150 ngày; lúa lai giống HYT108 khoảng 135-140 ngày, các giống khác 141-150 ngày. Sơ bộ hạch toán sau khi trừ chi phí về giống, phân bón và công lao động thu được lãi thuần trên 38 triệu đồng/ha.

         Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Văn Bình – Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tam Đường cho biết “Thông qua mô hình đã đưa một số giống cây lương thực mới vào sản xuất, góp phần bổ sung, phong phú thêm nguồn giống cây trồng của địa phương, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân bón có nguồn gốc hữu cơ góp phần đảm bảo tính an toàn cho người sử dụng và tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó làm tăng cường năng lực và nhận thức cho cán bộ các thôn, xã và cộng đồng tham gia mô hình, giải quyết được việc làm cho nguồn lao động, tăng thu nhập cho người dân”.

          Từ các kết quả theo dõi và so sánh với kết quả các vụ trước, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đưa ra khuyến cáo: Giống lúa thuần HT6, HT9 và giống lúa lai HYT 108 là các giống có triển vọng, cho năng suất cao hơn giống đối chứng từ 2-5 tạ/ha, chất lượng cơm thơm ngon, dẻo, sinh trưởng ổn định, nhiễm nhẹ với hầu hết các loại sâu bệnh hại đặc biệt kháng bạc lá, đạo ôn tốt, đây là các giống thích hợp cho sản xuất đại trà./. 

Ảnh: Các đại biểu tham quan thực tế mô hình                           

Nguyễn Thùy Dương
Trung tâm Khuyến nông Lai Châu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan