A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy trình phòng trừ bệnh đạo ôn

Bệnh đạo ôn phát sinh từ thời kỳ mạ đến lúa chín và có thể gây hại nhiều bộ phận của cây lúa, từ lá, đốt thân, cổ bông đến gié, hạt. Bệnh gây hại nặng có thể không cho thu hoạch ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người nông dân. Để phòng trừ có hiệu quả bệnh đạo ôn, bà con nên lưu ý 1 số vấn đề sau:

1. Nguyên nhân gây bệnh:

          Do nấm Pyricularia oryzae gây ra.

          2. Đặc điểm phát sinh, phát triển:

          Bệnh thường hay phát sinh gây hại mạnh ở vụ Đông Xuân, ẩm độ cao, ban đêm có sương mù, mưa phùn liên tục trong nhiều ngày, biên độ nhiệt độ ngày và đêm cao. Ruộng gieo trồng giống nhiễm hoặc bón thừa đạm thường bị nặng hơn so ruộng bón hân cân đối.

          Nấm bệnh sinh trưởng thích hợp ở nhiệt độ 25 – 280C và ẩm độ không khí 93% trở lên.

3. Triệu chứng

            - Trên lá: Vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ màu xanh lục hoặc mờ vết dầu, sau chuyển sang màu xám nhạt. Sự phát triển tiếp tục của triệu chứng  bệnh thể hiện khác nhau tuỳ thuộc vào mức độ phản ứng của cây: trên các giống lúa mẫn cảm các vết bệnh có triệu chứng đặc trưng: to, hình thoi, dày, mầu nâu nhạt, có khi có quầng màu vàng nhạt, phần giữa vết bệnh có màu nâu xám. Trên các giống chống chịu, vết bệnh là những chấm rất nhỏ hình dạng không đặc trưng. Các giống có phản ứng trung gian, vết bệnh hình tròn hoặc hình bầu dục nhỏ, xung quanh vết bệnh có viền nâu.

            - Trên cổ bông, cổ gié và trên hạt:

          Các vị trí khác nhau của bong lúa đều có thể bị bệnh với triệu chứng các vết màu nâu xám hơi teo thắt lại.

          Vết bệnh trên cổ bông xuất hiện sớm thì gây bông bạc, hạt bị lép và thường gây hiện tượng gãy cổ bông. Vết bệnh ở hạt không định hình, có màu xám hoặc nâu đen. Hạt giống bị bệnh là nguồn bệnh truyền từ vụ này sang vụ khác.

          - Trên đốt thân: Các đốt thân ở gần gốc bị bệnh mục ra làm cho cây bị đổ.

          4. Biện pháp phòng trừ:

            a. Phòng bệnh

            - Chọn giống kháng hoặc giống ít nhiễm bệnh.

            - Vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch và trước khi gieo sạ đặc biệt phải dọn sạch tàn dư rơm rạ và cỏ dại trên đồng ruộng có mang nguồn bệnh từ vụ trước

            - Bón đạm, lân, kali cân đối, không bón thừa đạm, không nên bón đạm tập trung vào thời kỳ lúa dễ nhiễm bệnh như thời kỳ trổ bông. Khi có bệnh xâm nhập phải giữ mực nước trên ruộng ngập 3-5cm; ngừng bón đạm, kali, ngừng phun phân bón qua lá, chất kích thích sinh trưởng các loại và phun thuốc phòng, trừ kịp thời

            - Khi bệnh đang phát sinh gây hại thì tuyệt đối không bón phân hoặc phun phân bón lá, chất KTST. Sau khi phun thuốc, bệnh ngừng phát triển thì mới tiến hành bón phân, chăm sóc bình thường.

            - Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng cách ngâm hạt giống vào nước 540C trong 10 phút hoặc dùng các loại thuốc đặc trị bệnh đạo ôn để xử lý. 

            - Thăm đồng thường xuyên, nhất là giai đoạn lúa khoảng 40 ngày tuổi cho tới khi trổ. Khi phát hiện ruộng lúa bị bệnh đạo ôn nên phun thuốc ngừa đặc biệt trên các giống lúa nhiễm, phun càng sớm càng tốt. 

          b. Trừ bệnh

            Sử dụng một trong các loại thuốc sau để phun: Dùng thuốc Fuji – one 40 EC, liều lượng 50 cc thuốc pha 30 lít nước phun cho 1 sào; Fuji – one 40WP, liều lượng 50 gam thuốc pha 30 lít nước phun cho 1 sào; Kasai 21,2 WP, liều lượng 50 gam thuốc pha 30 lít nước phun 1 sào; Filia 525 SE, liều lượng 24 cc thuốc pha 20 lít nước phun 1 sào; Vista 72.5 WP, liều lượng 30 – 40 gam thuốc pha 30 lít nước phun 1 sào.

          Chú ý: Đối với bệnh đạo ôn cổ bông nên phun 2 lần: phun lần 1 khi lúa trổ lác đác và phun lần 2 sau khi lúa trổ đều

 

 Ảnh: Lúa bị bệnh đạo ôn gây hại

Trần Thị Thu Tần
Trung tâm Khuyến nông Lai Châu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan